Góp vốn doanh nghiệp, góp vốn cổ phần công ty hay kêu gọi vốn đầu tư là những hoạt động thường thấy trong quá trình phát triển của một công ty. Trong đó việc định giá tài sản được góp vốn là yêu cầu bắt buộc để thống nhất được giá trị của hai bên.
Các loại tài sản đùng để góp vốn doanh nghiệp
Cá nhân, tổ chức có thể góp vốn vào doanh nghiệp. Tài sản được dùng để góp vốn quy định cụ thể tại Điều 34 Luật doanh nghiệp 2020. Theo đó, tài sản góp vốn có thể bao gồm:
- Quyền sử dụng đất, bất động sản
- Quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật
- Các tài sản có thể định giá được bằng đơn vị tiền Đồng của Việt Nam như: hàng hóa, máy móc, thiết bị vận tải, nhà xưởng, tài chính, vàng…
- Ngoại tệ tự do chuyển đổi
Với những loại hình tài sản trên, các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp, công ty, dự án của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức khác.
Định giá tài sản góp vốn doanh nghiệp
Theo Điều 34 Luật doanh nghiệp 2020, nếu tài sản góp vốn doanh nghiệp, dự án… không phải là tiền Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng thì phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc đơn vị thẩm định giá chuyên nghiệp (được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá) thẩm định giá và xác định giá trị bằng đơn vị tiền Đồng Việt Nam.
Khi tiến hành thẩm định giá tài sản góp vốn, bên góp vốn và bên được góp vốn đầu tư cần lưu ý tới giai đoạn doang nghiệp được góp vốn. Cụ thể:
-
Khi thành lập doanh nghiệp
Các tài sản góp vốn công ty phải được các thành viên, cổ đông sáng lập doanh nghiệp đồng ý và thống nhất hoặc do một công ty thẩm định giá chuyên nghiệp (có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá) thực hiện. Khi có kết quả thẩm định giá tài sản góp vốn, phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập, đơn vị góp vốn chấp thuận.
Ngoài ra, trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập liên quan góp thêm tài sản bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá sai giá trị tài sản góp vốn.
-
Trong quá trình hoạt động
Tài sản góp vốn do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và doanh nghiệp chấp thuận.
Trường hợp nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời, liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.
Tại sao cần thuê công ty định giá độc lập để định giá tài sản góp vốn
Khi thực hiện định giá tài sản góp vốn doanh nghiệp, việc lựa chọn đơn vị định giá là rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của bên góp vốn cũng như doanh nghiệp được góp vốn. Như đã nói, giá trị tài sản góp vốn phải đạt được sự đồng thuận của chủ sở hữu tài sản (bên góp vốn) và thành viên Hội đồng thành viên (công ty TNHH, công ty hợp danh), thành viên Hội đồng quản trị (Công ty cổ phần). Vì vậy, để đạt được sự khách quan, chính xác, đúng chuyên môn và có tính pháp lý thì việc thẩm định giá tài sản góp vốn cần phải giao cho công ty thẩm định giá chuyên nghiệp, có đủ điều kiện pháp lý và chuyên môn thực hiện.
Bên cạnh đó, chứng thư và báo cáo của công ty thẩm định giá độc lập có chức năng pháp lý nên đó sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý xem xét phân xử nếu chẳng may xảy ra tranh chấp sau thời gian góp vốn.