Đầu tư vào bất động sản có thể mang đến những cơ hội đáng kinh ngạc để xây dựng của cải của bản thân. Vấn đề là hầu hết các hình thức đầu tư bất động sản cần một số tiền đáng kể. Và điều này thường gây khó khăn cho các nhà đầu tư mới bắt đầu tham gia thị trường. Do đó, họ có thể sẽ cân nhắc chiến lược đầu tư chung với người thân hoặc bạn bè.
Mặc dù chiến lược này có thể hiệu quả, nhưng bạn sẽ cần xem xét rất nhiều yếu tố quan trọng trước khi bắt đầu thực hiện.
Ưu và nhược điểm của việc đầu tư vào bất động sản với người thân
Đầu tư với người thân có thể thúc đẩy vốn và khả năng vay của bạn, nhưng những vấn đề phức tạp hơn nhiều cũng sẽ bắt đầu xuất hiện trong “hành trình” đầu tư bất động sản của bạn.
Bất động sản là một khoản đầu tư dài hạn. Hãy ghi nhớ điều này trước khi cân nhắc đầu tư vào bất động sản với bạn bè hoặc người thân. Cùng xem xét ưu và nhược điểm của việc đầu tư bất động sản với người thân hoặc bạn bè.
1. Ưu điểm
-
Khả năng tiếp cận vốn: Hợp tác với người thân hoặc bạn bè sẽ giúp bạn tận dụng cơ hội sớm hơn thay vì chờ đợi và tiết kiệm cho đến khi bạn có thể tự mình thực hiện một giao dịch bất động sản. Với số vốn lớn, bạn có thể cân nhắc số lượng giao dịch bất động sản nhiều hơn.
-
Mối quan hệ thân quen có thể làm giảm rủi ro liên quan đến con người. Bởi vì bạn biết mình đang chung vốn với ai. Ở một mức độ nào đó, bạn có niềm tin lớn hơn với thành viên trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết. Điều này giảm bớt nguy cơ so với việc đầu tư với một người lạ.
2. Nhược điểm
-
Rủi ro đổ vỡ mối quan hệ. Các mối quan hệ bạn bè và gia đình rất phức tạp. Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra khi đầu tư bất động sản, mối quan hệ của bạn và người thân hoặc bạn bè sẽ trở nên căng thẳng và phức tạp hơn nhiều. Quan trọng là khi dính dáng đến tiền bạc, mối quan hệ gia đình và bạn bè có nguy cơ đổ bể nghiêm trọng hơn nếu thiếu sự rõ ràng. Bạn có thể đánh mất một mối quan hệ này nếu tranh chấp không được giải quyết hoặc đầu tư thua lỗ.
-
Khả năng đưa ra quyết định chậm hơn. Ý kiến và chuyên môn khác nhau có thể dẫn đến sự bế tắc trong việc đưa ra các quyết định quan trọng và kịp thời. Các bên liên quan có thể tranh cãi và khó đưa ra quyết định quan trọng ở thời điểm mấu chốt, điều này có thể gây tốn kém tiền bạc và bỏ lỡ cơ hội.
-
Con người và mục tiêu đầu tư thay đổi. Những thay đổi trong cuộc sống mang lại những rắc rối mới trong quá trình hợp tác đầu tư, chẳng hạn như kết hôn, ly hôn, khó khăn về tài chính, thay đổi công việc và chuyển chỗ ở. Tất cả những điều này phải được thương lượng và giải quyết thành công để duy trì một mối quan hệ hợp tác tốt.
Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào bất động sản với người thân hoặc bạn bè?.
1. Xác định rõ ràng và đồng thuận về chiến lược và mục tiêu đầu tư
Có rất nhiều chiến lược đầu tư bất động sản. Bạn có thể kết hợp các chiến lược cho thuê bất động sản kèm chiến lược nắm giữ tài sản để chờ thời cơ bán cho mục tiêu dài hạn, hoặc là chọn chiến lược mua sau đó sửa chữa và bán lại bất động sản nhanh chóng trong ngắn hạn,…
Cho dù bạn lựa chọn chiến lược đầu tư nào, khi hợp tác với một nhà đầu tư khác, nhất là với người thân hoặc bạn bè, điều quan trọng là phải đồng ý về chiến lược trước và đồng lòng để tiến lên.
2. Ghi lại tất cả các thỏa thuận bằng văn bản
Hãy xây dựng một thỏa thuận bằng văn bản sau khi tất cả mọi người tham gia đã đồng ý về trách nhiệm và mục tiêu hợp tác đầu tư để bảo vệ lợi ích và quyền của mỗi người. Quan trọng là xác định vai trò của mỗi người và cụ thể thời điểm góp vốn.
Nếu không có những thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý, những ý kiến bất đồng có thể khiến khoản đầu tư này đi vào bế tắc. Thỏa thuận cần ghi rõ cách phân chia lợi nhuận và thu nhập cho thuê giữa các đối tác. Đảm bảo rằng tất cả các thỏa thuận bằng văn bản và những người tham gia đều phải ký tên và chấp thuận tất cả các điều khoản.
3. Lập kế hoạch đối phó với những trường hợp ngoài ý muốn
Cuộc sống có thể thay đổi hoàn toàn với tất cả chúng ta. Tình hình tài chính của bạn sau một năm nữa có thể hoàn toàn khác biệt so với hiện tại. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng mọi người đều đồng ý về phương pháp giải quyết nếu tình hình thay đổi.
Chẳng hạn như điều gì xảy ra nếu chú của bạn mất việc và không thể góp đủ vốn phần của mình trong thỏa thuận? Liệu khoản đầu tư bất động sản đó có “chết yểu”, hay bạn đã có một kế hoạch B? Mặc dù rất khó để lập kế hoạch cho một tương lai không xác định, nhưng điều quan trọng là phải dự đoán một số tình huống có thể xảy ra và thống nhất về cách xử lý nếu tình hình tài chính của đối tác hoặc chính bạn thay đổi.
4. Giao tiếp thường xuyên
Lên lịch cuộc họp ít nhất ba tháng một lần hoặc thường xuyên hơn. Đảm bảo mọi người luôn biết điều gì đang xảy ra với khoản đầu tư. Các vấn đề không được giải quyết sẽ trở nên lớn hơn theo thời gian. Vì vậy, hãy lập kế hoạch gặp gỡ để thảo luận về tình trạng của khoản đầu tư thường xuyên. Nếu mọi thứ đều đúng mục tiêu, bạn có thể sử dụng cuộc họp để ăn mừng thành công của mình.
Tóm lại, có nên đầu tư bất động sản cùng với người thân không?
Một bất đồng nhỏ về cách thức chia sẻ trách nhiệm có thể nhanh chóng biến thành một cuộc chiến lớn. Tiền bạc có thể mang lại những điều tồi tệ nhất cho mối quan hệ của con người. Do đó, việc đầu tư chung với bạn bè và người thân sẽ khiến mối quan hệ thân thiết của bạn trở nên căng thẳng và có nguy cơ đổ bể.
Dẫu vậy, mục tiêu của đầu tư bất động sản là kiếm tiền. Nếu một mối quan hệ hợp tác có thể có khả năng kiếm lợi nhuận lớn cho tất cả mọi người tham gia, thì bạn có thể quyết định đầu tư chung với người thân hoặc bạn bè bất chấp những rủi ro kể trên.