Mới đây nhất là vụ cháy tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) trong tối 25/9. Đám cháy bắt đầu từ một quán Karaoke, sau đó nhanh chóng lan ra những ngôi nhà xung quanh, làm 3 ngôi nhà bị thiêu rụi hoàn toàn và nhiều hộ dân bị ảnh hưởng.
Trước đó, vào cuối tháng 4 xảy ra một vụ cháy tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) và lan ra 6 nhà tạm liền kề. Theo ghi nhận, nhà nặng thì bị lửa cháy rụi hoàn toàn, nhà bị nhẹ thì hỏng đồ đạc, ám khói.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, tính riêng trong tháng 8/2022 cả nước đã xảy ra 134 vụ cháy, gây thiệt hại tài sản ước tính 29,68 tỉ đồng.
Trong đó có 76 vụ xảy ra tại địa bàn thành thị, 58 vụ tại khu vực nông thông. Số vụ cháy tại nhà dân có 54 vụ, 25 vụ cháy nhà kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh, còn lại là cháy tại các loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, cháy chợ, quán bar, karaoke,…
Vậy, trường hợp cháy nhà bị cháy lan sang những ngôi nhà bên thì việc bồi thường sẽ được xử lý như thế nào? Ai là người phải bồi thường cho chủ của những ngôi nhà bị cháy lan sang này?
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho biết theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001, sửa đổi bổ sung 2013 quy định chất nguy hiểm về cháy, nổ là chất lỏng, chất khí, chất rắn hoặc hàng hoá, vật tư dễ xảy ra cháy, nổ.
Việc bồi thường thiệt hại do chất cháy gây ra thuộc trường hợp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra quy định tại Điều 601 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể:
“1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
– Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
– Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hạị”.
Như vậy, trường hợp cháy nhà, lan sang nhà hàng xóm gây thiệt hại, chủ nhà phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhà bị thiệt hại.
Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo nguyên tắc tại Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”.
Căn cứ theo quy định trên chủ nhà, người quản lý, sử dụng căn nhà – cơ sở (nơi phát sinh nguồn lửa) phải có trách nhiệm bồi thường, dù lỗi cố ý hay vô ý, kể cả khi không có lỗi (chẳng hạn do chập điện gây cháy).
Họ chỉ không bồi thường trong trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của chủ nhà bị cháy lan hoặc một ai đó gây ra (được xác định), hoặc trong sự kiện bất khả kháng, vụ việc xảy ra khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết hoặc tình thế cấp thiết).