Điều kiện để được tách thửa
Theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT, để được tách thửa khi chuyển nhượng, tặng cho cần có đủ các điều kiện sau:
(1) Có Giấy chứng nhận.
(2) Đất không có tranh chấp.
(3) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
(4) Đất còn thời hạn sử dụng.
(5) Thửa đất đáp ứng được điều kiện về diện tích và kích thước chiều cạnh tối thiểu theo quy định của UBND các tỉnh, thành.
Lưu ý: Đối với một số tỉnh, thành điều kiện tách thửa không bắt buộc phải có sổ đỏ, sổ hồng (chỉ cần có đủ điều kiện cấp Sổ đỏ, Sổ hồng). Nghĩa là ngay cả khi thửa đất đó chưa được cấp Sổ đỏ, Sổ hồng vẫn được phép tách thửa nếu đủ điều kiện được cấp sổ, chẳng hạn như tỉnh Bắc Kạn.
Dưới đây là chi tiết 7 loại đất không thể tách thửa.
Đất không đủ diện tích tối thiểu để tách thửa
Diện tích tối thiểu là diện tích mà thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách thửa không được nhỏ hơn (bao gồm cả trường hợp hợp thửa với thửa đất liền kề).
Điều kiện đầu tiên để được tách thửa cần phải đáp ứng đó là đủ điều kiện về diện tích, kích thước tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
Đây là điều kiện áp dụng đối với tất cả các tỉnh thành và các loại đất. Do đó, việc thửa đất không đáp ứng được điều kiện về diện tích và kích thước tối thiểu sẽ không được phép tách thửa.
Đất chưa có sổ đỏ, sổ hồng
Theo quy định Khoản 15, Điều 3 của Luật Đất đai năm 2013 thì đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính.
Theo quy định tại Khoản 9, Điều 3 của Luật Đất đai năm 2013 thì Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất là việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với thửa đất xác định.
Như vậy, chỉ khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất mới có đầy đủ các quyền năng của người sử dụng đất trong đó có các quyền chung quy định tại Điều 166 và các quyền liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất (xuất hiện các nhu cầu về chia tách thửa đất).
Khi thửa đất gốc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bạn chưa đủ điều kiện tách thửa để chuyển mục đích sử dụng đất.
Đất đang có tranh chấp
Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định đất đang có tranh chấp không được phép chuyển nhượng (thể hiện ở đơn giải quyết tranh chấp đất đai).
Ngoài ra, tại Quyết định về điều kiện tách thửa của UBND một số tỉnh, thành cũng quy định rõ đất không có tranh chấp mới được tách thửa. Do đó, đất có tranh chấp sẽ không đủ điều kiện tách thửa.
Đất hết thời hạn sử dụng
Điều kiện này áp dụng với loại đất sử dụng có thời hạn như đất nông nghiệp, đất thương mại dịch vụ…
Khi đất không còn trong thời hạn sử dụng (hết thời hạn sử dụng đất) thì người sử dụng đất không được thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp,…(theo Điều 188 Luật Đất đai).
Như vậy, nếu đất hết thời hạn sử dụng cũng không được phép tách thửa.
Đất có quyền sử dụng đang bị kê biên
Cũng theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, trường hợp quyền sử dụng đất bị kê biên để bảo đảm thi hành án thì không được chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp…
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 111 Luật Thi hành ánh dân sự 2008, khi kê biên quyền sử dụng đất, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang quản lý giấy tờ về quyền sử dụng đất phải nộp các giấy tờ đó cho cơ quan thi hành án dân sự.
Do đó, không có sổ đỏ để tiến hành làm thủ tục tách thửa.
Đất đang trong diện quy hoạch
Theo quy định tại Điều 49 Luật Đất đai 2013 sửa đổi bổ sung bởi Khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 quy định về Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như sau:
– Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật
– Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Như vậy, chỉ được thực hiện quyền tách thửa đất trong trường hợp đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện.
Khi có nhu cầu tách thửa, người dân đến phòng Tài nguyên huyện để hỏi về kế hoạch sử dụng đất hàng năm của diện tích đất quy hoạch, nếu chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm thì bạn nộp hồ sơ đề nghị tách thửa tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện nơi có đất
Đất đã có thông báo thu hồi
Theo Điều 67 Luật Đất đai 2013, trước khi có quyết định thu hồi đất thì người dân sẽ được cơ quan Nhà nước gửi thông báo thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và chậm nhất là 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp.
Thông báo thu hồi đất được gửi đến cho người có đất bị thu hồi. Khi có thông báo thu hồi đất thì cơ quan nhà nước sẽ từ chối hồ sơ đề nghị tách thửa của người sử dụng đất.
Ngoài ra, tại một số tỉnh, thành để ngăn chặn tình trạng sốt đất, cơ quan chức năng sẽ có thông báo tạm dừng thủ tục tách thửa, bạn cần lưu ý tìm hiểu kỹ. Tuy nhiên, việc tạm dừng thủ tục tách thửa là biện pháp tạm thời nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng sốt đất và không cấm tách thửa trong thời gian dài.