Các trường hợp đăng ký thế chấp nhà, đất
Theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 07/2019/TT-BTP, các trường hợp đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất gồm:
– Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất.
– Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất.
– Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất.
– Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.
– Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.
– Đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng không phải là nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khác theo quy định của pháp luật.
– Đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký.
– Đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp đã đăng ký thế chấp.
– Xóa đăng ký thế chấp.
Lưu ý: Trường hợp đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng không phải là nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khác theo quy định của pháp luật thực hiện như đối với đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là nhà ở, công trình xây dựng.
Hồ sơ, thủ tục đăng ký thế chấp Sổ đỏ
Lưu ý: Thủ tục dưới đây áp dụng khi đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
* Chuẩn bị hồ sơ
Theo Điều 27 Nghị định 99/2022/NĐ-CP, người yêu cầu đăng ký thế chấp Sổ đỏ nộp 01 bộ hồ sơ, gồm các giấy tờ sau:
– Phiếu yêu cầu đăng ký theo mẫu (01 bản chính).
– Hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng thế chấp có công chứng, chứng thực trong trường hợp pháp luật quy định (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực).
– Bản chính Giấy chứng nhận (trừ trường hợp nộp đồng thời hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm với hồ sơ đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất hoặc với hồ sơ chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).
* Trình tự, thủ tục thực hiện
Bước 1: Nộp hồ sơ
– Nơi nộp hồ sơ: Văn phòng đăng ký đất đai
– Phương thức nộp hồ sơ:
- Qua hệ thống đăng ký trực tuyến;
- Nộp trực tiếp;
- Qua đường bưu điện;
- Qua thư điện tử trong trường hợp người yêu cầu đăng ký đã được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Bước 3: Giải quyết
Căn cứ theo Điều 35 Nghị định 99/2022/NĐ-CP, trong thời hạn giải quyết, Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện những nhiệm vụ sau:
– Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký, trường hợp không có căn cứ từ chối đăng ký thì Văn phòng đăng ký đất đai ghi, cập nhật nội dung đăng ký theo đúng thứ tự tiếp nhận hồ sơ vào sổ đăng ký và Giấy chứng nhận.
– Sau khi ghi vào sổ đăng ký và Giấy chứng nhận thì chứng nhận nội dung đăng ký và thời điểm đăng ký (giờ, phút, ngày, tháng, năm) vào Phiếu yêu cầu đăng ký.
– Sổ đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai được lập theo mẫu.
* Trường hợp nộp đồng thời hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm với hồ sơ đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất/hồ sơ chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì Văn phòng đăng ký đất đai:
- Thực hiện việc tiếp nhận cả hai hồ sơ;
- Thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, sau đó thực hiện thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm.
Kết luận
Trên đây là thủ tục đăng ký thế chấp Sổ đỏ; theo thủ tục này thì người có yêu cầu phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp cho Văn phòng đăng ký đất đai để thực hiện đăng ký thế chấp.