(AMC VALUE – Định giá cổ phiếu) – Cổ phiếu là giấy chứng nhận số tiền nhà đầu tư đóng góp vào công ty phát hành. Giá trị cổ phiếu của công ty thể hiện giá trị của công ty đó trên thị trường. Hiện tại trên thị trường giá cổ phiếu không phải lúc nào cũng phản ánh đúng và chính xác giá trị thực của nó. Nhiều trường hợp giá cổ phiếu sẽ bị định giá cao hoặc thấp hơn. Ngoài yếu tố về thị giá, nhà đầu tư cần xem xét tới giá trị thực của cổ phiếu để nhận định chính xác có nên đầu tư vào cổ phiếu đó hay không. Để đầu tư một cách hiệu quả, nhà đầu tư nên tiến hành bước định giá cổ phiếu để lựa chọn được cổ phiếu có tiềm năng tăng giá tốt trong tương lai. Vì vậy thẩm định giá cổ phiếu có vai trò đặc biệt quan trọng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong hoạt động mua bán, đầu tư, kinh doanh cổ phiếu trên thị trường.
Định giá cổ phiếu là thẩm định viên xác định giá trị thực hay giá trị nội tại của một cổ phiếu đáng giá bao nhiêu tiền tại thời điểm hiện tại phục vụ nhiều mục đích cho các bên liên quan một cách minh bạch chính xác từ đó các Nhà đầu tư, doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư một cách hiệu quả nhất.
1. Khái niệm cổ phiếu
Cổ phiếu là giấy chứng nhận quyền sở hữu của người nắm giữ đối với doanh nghiệp. Nó là một loại tài sản mà mức độ sinh lời phụ thuộc vào khả năng sinh lời của doanh nghiệp đó. Hiện nay có một số định nghĩa về cổ phiếu như sau:
– Theo khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Chỉ công ty cổ phần mới có quyền phát hành cổ phiếu.
– Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, cổ phiếu là một loại chứng khoán (được coi là tài sản), là đối tượng giao dịch trên sàn chứng khoán.
– Theo khoản 1, 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020, có 02 loại cổ phiếu như sau:
- Cổ phiếu thường (cổ phiếu phổ thông): Dùng để xác định quyền sở hữu của các cổ đông. Người nắm giữ cổ phiếu này sẽ có quyền quản lý và kiểm soát công ty hay tham gia vào các cuộc họp hội đồng quản trị, cũng như bỏ phiếu quyết định vào các vấn đề lớn của công ty.
- Cổ phiếu ưu đãi: Người nắm giữ có thể nhận ưu đãi về cổ tức và quyền biểu quyết hay được hoàn lại phần vốn góp.
2. Giá cổ phiếu là gì?
Cổ phiếu là một loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu cổ phần của tổ chức phát hành.
Giá cổ phiếu được hiểu là số tiền người mua phải trả để sở hữu một cổ phiếu. Mức giá này không cố định mà sẽ dao động phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường giữa người bán và người mua.
3. Vai trò định giá cổ phiếu
- Định giá cổ phiếu là xác định giá trị thực của cổ phiếu trong một thời điểm nhất định, nhằm xác định tiềm năng cổ phiếu và đưa ra những quyết định đầu tư liên quan.
- Đối với các doanh nghiệp, định giá cổ phiếu là một trong những bước quan trọng của công ty cổ phần khi muốn chào bán cổ phiếu, huy động vốn và tăng tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp trên thị trường.
- Đối với các nhà đầu tư, định giá cổ phiếu giúp người đầu tư biết được loại cổ phiếu đó bao nhiêu tiền và cổ phiếu nào đáng mua và có khả năng sinh lợi lớn nhất. Sau đó, ta sẽ tiến hành mua vào cổ phiếu nếu giá cổ phiếu thấp hơn so với giá trị ta định giá. Hoặc bán ra cổ phiếu nếu giá cổ phiếu hiện đã cao hơn so với định giá để thu lại lợi nhuận.
4. Yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu
Giá cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố vĩ mô và vi mô. Do đó, các nhà đầu tư cần quan tâm, tìm hiểu và phân tích tác động của các yếu tố tới cổ phiếu mà mình đang đầu tư.
4.1 Sự phát triển của nền kinh tế
Điều gì quyết định giá cổ phiếu tăng hay giảm? Một trong những yếu tố quyết định là sự phát triển của nền kinh tế quốc dân và kinh tế thế giới.
Giá cổ phiếu có xu hướng tỉ lệ thuận với sự phát triển của nền kinh tế. Giá cổ phiếu thường có xu hướng tăng khi nền kinh tế phát triển và giảm khi kinh tế chậm phát triển.
4.2. Quy luật cung cầu của thị trường
Quy luật cung cầu của thị trường không chỉ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường hàng hóa. Thị trường chứng khoán cũng vậy, thông thường khi một cổ phiếu được nhiều người mua giá cổ phiếu đó sẽ có xu hướng tăng lên và ngược lại.
Tuy nhiên các nhà đầu tư cũng cần thận trọng vì không phải cổ phiếu nào được đám đông chọn mua cũng là tốt. Giá cổ phiếu đó có thể tăng mạnh trong ngắn hạn nhưng về dài hạn thì không có gì chắc chắn.
4.3 Tình hình chính trị
Tình hình chính trị cũng có tính quyết định đến giá của cổ phiếu bởi khi xuất hiện sự bất ổn về chính trị, NĐT không đủ tự tin để tiếp tục đầu tư nên giá cổ phiếu sẽ có xu hướng giảm.
4.4. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp
Nếu hỏi yếu tố nào ảnh hưởng đến giá của cổ phiếu thì không thể không nhắc tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào làm ăn tốt và đạt mức lợi nhuận cao thì giá cổ phiếu sẽ tăng mạnh. Ngược lại, nếu kết quả kinh doanh “tụt dốc” thì giá cổ phiếu sẽ giảm do doanh nghiệp đó không tạo được lòng tin cho các nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư chuyên nghiệp rất quan tâm đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thông qua báo cáo tài chính hàng năm khi đánh giá cổ phiếu . Vì họ cho rằng đây là một trong các nhân tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu khá mạnh. Ngoài ra, nếu giá cổ phiếu tăng do doanh nghiệp làm ăn tốt thì sự tăng trưởng đó sẽ bền vững hơn.
4.5 Thông tin gây nhiễu và tâm lý của nhà đầu tư
Thông tin gây nhiễu thị trường cũng là một yếu tố cần được xét đến. Đặc biệt hiện nay, chúng ta đang sống trong một thế giới “đầy rẫy” thông tin do sự phát triển của Internet. Những dự đoán từ chuyên gia, các phân tích báo cáo tài chính hay bất cứ thông tin nào liên quan cũng có thể tác động tới giá cổ phiếu.
Thị trường chứng khoán là thị trường nhạy cảm, chỉ một thông tin gây nhiễu xuất hiện cũng có thể làm thị trường dao động dữ dội. Lúc này các nhà đầu tư cần có tâm lý vững vàng để lọc được những thông tin chính xác và đưa ra quyết định đầu tư khi đã có những tính toán kỹ lưỡng. Đôi khi, một thông tin tiêu cực nào đó về doanh nghiệp dù chưa được xác thực cũng có thể khiến giá cổ phiếu giảm mạnh do nhà đầu tư e ngại và bán tháo cổ phiếu.
Từ những phân tích trên cho thấy những yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định mua bán, đầu tư cổ phiếu. Khi nhận được thông tin về các yếu tố này, nhà đầu tư cần phải nghiên cứu thật sâu để đánh giá tác động của chúng đến các cổ phiếu mà mình quan tâm, từ đó góp phần đánh giá chính xác “giá trị thực” của cổ phiếu.
5. Phương pháp định giá cổ phiếu
Giá cổ phiếu hiện tại trên thị trường không phải lúc nào cũng phản ánh đúng và chính xác giá trị thực của nó. Nhiều trường hợp giá cổ phiếu sẽ bị định giá cao hoặc thấp hơn. Ngoài yếu tố về thị giá, nhà đầu tư cần xem xét tới giá trị thực của cổ phiếu để nhận định chính xác có nên đầu tư vào cổ phiếu đó hay không. Hiện nay có nhiều phương pháp thẩm định giá cổ phiếu được các thẩm định viên áp dụng như: Phương pháp thẩm định giá dự vào tỷ số P/E, phương pháp thẩm định giá dự vào tỷ số P/B, phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của vốn chủ sở hữu (FCFE), phương pháp chiết khấu dòng tiền thuần (FCFF).
5.1. Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E
Một trong những cách định giá cổ phiếu phổ biến nhất hiện nay là phân tích chỉ số P/E của doanh nghiệp. Chỉ số này căn cứ vào mối tương quan của giá trị thị trường trên mỗi cổ phiếu với lợi nhuận sau thuế trong vòng một năm của công ty để xác định biên độ P/E cao hay thấp. Từ đó nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định phù hợp. Bản thân các nhà đầu tư mới chưa biết cách làm giàu với 200 triệu cũng có thể tham khảo chỉ số này để xem xét lĩnh vực phù hợp với số tiền hiện có của mình.
Tỷ lệ P/E là từ viết tắt của Price to Earning, được tính bằng cách lấy giá thị trường của cổ phiếu chia cho lợi nhuận sau thuế tính trên mỗi cổ phiếu (EPS) của doanh nghiệp trong năm đó. Theo các chuyên gia, nguyên tắc đơn giản nhất khi áp dụng cách định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E là tỷ lệ càng thấp thì lợi nhuận khi đầu tư vào doanh nghiệp đó càng cao và thời gian thu hồi vốn cũng ngắn hơn.
5.2. Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/B
Đúng như tên gọi, phương pháp định giá cổ phiếu này sẽ dựa vào chỉ số P/B. Tỷ số P/B được dùng để so sánh giữa giá của một cổ phiếu (Price) với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó (Book value ratio). Tương tự như chỉ số P/E, chỉ số P/B càng thấp tức là cổ phiếu đó đang được định giá thấp và ngược lại.
Cách định giá cổ phiếu bằng phương pháp P/B hoàn toàn có thể áp dụng cho nhiều ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn có những hạn chế nhất định do chỉ đánh giá được biến động trên tổng giá trị tài sản hữu hình của công ty. Trong khi thực tế còn phải tính đến các tài sản vô hình như thương hiệu, uy tín, thị phần… mà một công ty đang sở hữu.
5.3. Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/S
Phương pháp tiếp theo là định giá cổ phiếu theo chỉ số P/S, là chỉ số đo lường giá cổ phiếu trên doanh thu mỗi cổ phần (Price/Sales per Share). Và cũng giống như 2 chỉ số P/E và P/B, chỉ số P/S và cổ phiếu được định giá sẽ tỉ lệ thuận với nhau.
5.4. Phương pháp chiết khấu dòng cổ tức
Phương pháp này do dùng dòng cổ tức để phân tích nên giá trị tính ra sẽ là giá trị doanh nghiệp đối với chủ sở hữu (cổ tức thuộc về chủ sở hữu). Nhà đầu tư mua cổ phiếu doanh nghiệp là nhằm có được thu nhập trong tương lai, bao gồm cổ tức và tiễn lãi về vốn khi chuyển nhượng cổ phiếu. Nếu nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong mãi mãi, thì giá trị doanh nghiệp (đối với chủ sở hữu) được đo bằng giá trị hiện tại của tất cả các khoản cổ tức thu được trong tương lai, hay giá trị có thể được xác định bằng tổng giá trị các loại cổ phiếu mà doanh nghiệp đang lưu hành.
5.4. Phương pháp chiết khấu dòng tiền thuần vốn chủ sở hữu (FCFE)
Dòng tiền thuần vốn chủ sở hữu FCFE là tổng dòng tiền thu nhập sau thuế dành riêng cho chủ sở hữu doanh nghiệp.
Dòng tiền thuần vốn chủ sở hữu FCFE phản ánh: dòng tiền sau thuế từ hoạt động kinh doanh được phân phối cho chủ sở hữu doanh nghiệp, sau khi hoàn trả lãi và vốn vay cho chủ nợ, chi trả các chi phí đầu tư mới và thay đổi về nhu cầu vốn lưu động.
5.5. Phương pháp chiết khấu dòng tiền thuần (FCFF)
Dòng tiền thuần của doanh nghiệp FCFF là tổng dòng tiền thu nhập của tất cả các đối tượng có quyền lợi trong doanh nghiệp (gồm: Chủ nợ và Chủ sở hữu (cổ đông)). Dòng tiền thuần FCFF phản ánh: dòng tiền sau thuế từ hoạt động kinh doanh được phân phối cho cả chủ nợ và chủ sở hữu doanh nghiệp (không tính đến cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp).
Ngoài những phương pháp thẩm định giá cổ phiếu thông dụng như trên, hiện nay còn một số phương pháp thẩm định khác như: Định giá cổ phiếu bằng công thức Benjamin Graham, định giá cổ phiếu bằng phương pháp Katsenelson Absolute PE, định giá cổ phiếu dựa vào chỉ số đánh giá doanh nghiệp ROA, ROE;
Mỗi phương pháp định giá sẽ có những ưu và nhược điểm khác nhau và với từng ngành, từng loại doanh nghiệp thì cũng sẽ chỉ phù hợp với một vài phương pháp định giá.
Trên thực tế, khi đầu tư sẽ dựa vào nhiều yếu tố khác nhau như chiến lược, nguyên tắc… Các nhà đầu tư không cần phải biết hết tất cả phương pháp định giá vì đầu tư thành công không phải là việc biết nhiều phương pháp định giá hơn người khác.
Xem trên Facebook thêm tại đây: https://www.facebook.com/quanlykhaithactaisanAMC