(AMC VALUE – Quy trình thế chấp sổ đỏ để vay vốn ngân hàng) – Nhà đất có sổ đỏ có thể dùng để thế chấp vay tiền ngân hàng. Pháp luật có những quy định cụ thể về điều kiện vay vốn, quy trình, thủ tục…
Điều kiện về thế chấp quyền sử dụng đất, nhà ở để vay ngân hàng
Theo quy định của Luật Đất đai, người sử dụng đất, nhà ở được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp.
Để thế chấp sổ đỏ, nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân. Nếu là cá nhân thì phải đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
Đất, nhà ở được dùng để thế chấp cần đáp ứng các điều kiện:
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp.
– Đất đai, nhà ở không thuộc diện tranh chấp, khiếu nại hoặc khiếu kiện về quyền sở hữu.
– Đất, nhà ở không thuộc diện bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
– Đất, nhà ở không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa hay phá dỡ theo thông báo từ cơ quan có thẩm quyền.
Hạn mức vay thế chấp ngân hàng
Khi khách hàng muốn thế chấp sổ đỏ để vay tiền, ngân hàng sẽ tiến hành thẩm định, định giá tài sản thế chấp của khách để đưa ra hạn mức vay tối đa. Đối với các gói vay thông thường, khách hàng có thể được vay tối đa lên đến 70% giá trị của tài sản thế chấp (sổ đỏ, sổ hồng hoặc tài sản khác). Một số ngân hàng thậm chí còn hỗ trợ tỷ lệ vay lên đến 90% giá trị tài sản đảm bảo, thời hạn cho vay dài từ 15 – 20 năm.
Thủ tục đăng ký thế chấp sổ đỏ vay vốn ngân hàng
Hồ sơ cần chuẩn bị
Theo quy định tại Điều 39 Nghị định 102/2017/NĐ-CP, người yêu cầu đăng ký thế chấp nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất hoặc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất hoặc đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất. Hồ sơ gồm các giấy tờ:
– Phiếu yêu cầu đăng ký (01 bản chính).
– Hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng thế chấp có công chứng, chứng thực trong trường hợp pháp luật quy định (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực).
– Bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc một trong các loại giấy chứng nhận quy định tại khoản 2 Điều 97 của Luật đất đai.
– Đối với trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai không phải là nhà ở, thì ngoài các giấy tờ trên, người yêu cầu đăng ký phải nộp các giấy tờ sau đây:
+ Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật phải xin phép xây dựng hoặc Quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật phải lập dự án đầu tư (01 bản sao không có chứng thực), trừ trường hợp hợp đồng thế chấp tài sản đó có công chứng, chứng thực; một trong các loại Bản vẽ thiết kế thể hiện được mặt bằng công trình của dự án trong trường hợp chủ đầu tư thế chấp dự án xây dựng công trình (01 bản sao không có chứng thực);
+ Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật phải xin phép xây dựng hoặc Quyết định phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật phải lập dự án đầu tư (01 bản sao không có chứng thực), trừ trường hợp hợp đồng thế chấp tài sản đó có công chứng, chứng thực; một trong các loại Bản vẽ thiết kế thể hiện được mặt bằng của tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là công trình xây dựng khác (01 bản sao không có chứng thực);
– Văn bản thỏa thuận có công chứng, chứng thực giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất về việc tạo lập tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất mà người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất (1 bản chính hoặc 1 bản sao có chứng thực hoặc 1 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu).
– Giấy tờ chứng minh trong các trường hợp sau:
+ Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (1 bản chính hoặc 1 bản sao có chứng thực hoặc 1 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu).
+ Một trong các loại giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng không phải nộp phí khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm.
Trình tự thực hiện
Sau khi người đăng ký thế chấp nộp hồ sơ, văn phòng đăng ký đất đai sẽ tiếp nhận hồ sơ và tiến hành giải quyết.
Trong thời hạn giải quyết, văn phòng đăng ký đất đai sẽ ghi nội dung đăng ký thế chấp vào sổ địa chính và giấy chứng nhận, sau đó chứng nhận nội dung đăng ký vào phiếu yêu cầu đăng ký.
Trường hợp cơ quan đăng ký phát hiện trong sổ đăng ký, giấy chứng nhận, phiếu yêu cầu đăng ký có sai sót về nội dung đã đăng ký do lỗi của mình, thì trong thời hạn 1 ngày làm việc, văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm chỉnh lý thông tin sai sót về nội dung đăng ký và gửi văn bản thông báo về việc chỉnh lý thông tin đó cho người yêu cầu đăng ký.
Trường hợp người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ yêu cầu sửa chữa sai sót nội dung đã đăng ký do lỗi của cơ quan đăng ký, thì trong thời hạn 1 ngày làm việc, văn phòng đăng ký đất đai đính chính thông tin sai sót trên giấy chứng nhận và sổ đăng ký, chứng nhận việc sửa chữa sai sót vào phiếu yêu cầu sửa chữa sai sót và trả kết quả cho người yêu cầu đăng ký.