(AMC VALUE – Thẩm định giá doanh nghiệp M&A) – Trong hoạt động thẩm định giá doanh nghiệp để M&A (mua bán – sáp nhập) thẩm định giá có vai trò vô cùng quan trọng quyết định đến sự thành công của thương vụ đó. Thẩm định giá doanh nghiệp mang đến cho các chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư cái nhìn tổng quát về tình hình cũng như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp từ đó đưa ra các quyết định quản lý doanh nghiệp, quyết định tài trợ, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh phù hợp…
1. M&A là gì?
M&A là viết tắt của 2 cụm từ Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại). Hoạt động M&A là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua hình thức sáp nhập hay mua lại 1 phần (số cổ phần) hoặc toàn bộ doanh nghiệp khác. Mục đích của một thương vụ M&A không đơn thuần chỉ là sở hữu cổ phần, mà nhằm mục đích tham gia và quyết định các vấn đề quan trọng, tác động đến hoạt động kinh doanh, hoạt động quản trị của doanh nghiệp bị sáp nhập/mua lại.
- Mergers(Sáp nhập) là sự liên kết giữa các doanh nghiệp có cùng quy mô và cho ra đời một doanh nghiệp có tư cách pháp nhân mới. Toàn bộ tài sản, lợi ích chung, quyền hay nghĩa vụ của doanh nghiệp bị sáp nhập hay bị mua lại sẽ “về tay” doanh nghiệp sáp nhập.
- Acquisitions(Mua lại) là hình thức một doanh nghiệp lớn sẽ mua lại những doanh nghiệp nhỏ và yếu hơn và doanh nghiệp mua vẫn giữ tư cách pháp nhân cũ. Doanh nghiệp mua lại được quyền sở hữu hợp pháp đối với doanh nghiệp được mua.
2. Vai trò thẩm định giá doanh nghiệp trong hoạt động M&A
Hội nhập kinh tế mang lại nhiều thách thức cho nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung trong việc hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Do đó nhận thức và nhu cầu về dịch vụ thẩm định giá doanh nghiệp đã trở nên thiết yếu đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư… Vì vậy vai trò thẩm định giá doanh nghiệp trước khi mua bán – sáp nhập là đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế thị trường.
- Thẩm định giá trị doanh nghiệp giúp đưa ra những thông tin quan trọng để các nhà quản trị phân tích, đánh giá kinh doanh và tài chính có liên quan đến doanh nghiệp trước khi ra các quyết định về M&A.
- Giúp doanh nghiệp có những giải pháp cải tiến quản lý cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát lợi nhuận của doanh nghiệp.
- Là cơ sở cho các tổ chức, cá nhân và công chúng đầu tư đưa ra quyết định mua bán, chuyển nhượng các loại chứng khoán do doanh nghiệp phát hành trên thị trường tài chính; cũng như là cơ sở để sáp nhập, chia tách, giải thể, thanh lý, liên doanh,… doanh nghiệp.
3. Phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp M&A
Các cách tiếp cận áp dụng trong thẩm định giá doanh nghiệp theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 được Ban hành kèm theo Thông tư số 28/2021/TT-BTC ngày 27 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính bao gồm: cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập. Doanh nghiệp thẩm định giá cần lựa chọn các cách tiếp cận, phương pháp thẩm định giá trên cơ sở hồ sơ, tài liệu được cung cấp và thông tin tự thu thập để thẩm định giá doanh nghiệp.
- Trong cách tiếp cận từ thị trường, giá trị doanh nghiệp được xác định thông qua giá trị của doanh nghiệp so sánh với doanh nghiệp cần thẩm định giá về các yếu tố: quy mô; ngành nghề kinh doanh chính; rủi ro kinh doanh, rủi ro tài chính; các chỉ số tài chính hoặc giá giao dịch đã thành công của chính doanh nghiệp cần thẩm định giá. Phương pháp được sử dụng trong cách tiếp cận từ thị trường để xác định giá trị doanh nghiệp là phương pháp tỷ số bình quân và phương pháp giá giao dịch.
- Trong cách tiếp cận từ chi phí, giá trị doanh nghiệp được xác định thông qua giá trị các tài sản của doanh nghiệp. Phương pháp được sử dụng trong cách tiếp cận từ chi phí để xác định giá trị doanh nghiệp là phương pháp tài sản.
- Trong cách tiếp cận từ thu nhập, giá trị doanh nghiệp được xác định thông qua việc quy đổi dòng tiền thuần trong tương lai có thể dự báo được về thời điểm thẩm định giá. Phương pháp được sử dụng trong cách tiếp cận từ thu nhập để xác định giá trị doanh nghiệp là phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp, phương pháp chiết khấu dòng cổ tức và phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu.
Khi xác định giá trị doanh nghiệp bằng cách tiếp cận từ thu nhập cần cộng giá trị của các tài sản phi hoạt động tại thời điểm thẩm định giá với giá trị chiết khấu dòng tiền có thể dự báo được của các tài sản hoạt động tại thời điểm thẩm định giá. Trong trường hợp không dự báo được một cách đáng tin cậy dòng tiền của một số tài sản hoạt động thì thẩm định viên có thể không dự báo dòng tiền của tài sản hoạt động này và xác định riêng giá trị của tài sản hoạt động này để cộng vào giá trị doanh nghiệp. Riêng phương pháp chiết khấu cổ tức thì không cộng thêm phần tài sản phi hoạt động là tiền mặt và tương đương tiền.
4. Quy trình thẩm định giá doanh nghiệp M&A
Quy trình Thẩm định giá trị Doanh nghiệp trong thẩm định giá là yếu tố cần thiết giúp các đơn vị thẩm định giá xác định được các bước cần thẩm định để đưa ra kết quả chính xác giá trị của doanh nghiệp đó. Quy trình thẩm định giá bao gồm các bước sau:
- Bước 1. Xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá doanh nghiệp và xác định giá trị thị trường hoặc phi thị trường làm cơ sở thẩm định giá.
- Bước 2. Lập kế hoạch thẩm định giá.
- Bước 3. Khảo sát thực tế, thu thập thông tin.
- Bước 4. Phân tích thông tin.
- Bước 5. Xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá.
- Bước 6. Lập báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và gửi cho khách hàng, các bên liên quan.