(AMC VALUE – Cách tiếp cận thẩm định giá doanh nghiệp) – Trong nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Giá trị doanh nghiệp là mối quan tâm của các pháp nhân và thể nhân có lợi ích liên quan, gắn bó trực tiếp đến các doanh nghiệp. Vì vậy nhu cầu xác định giá trị doanh nghiệp là đòi hỏi hoàn toàn tự nhiên và cần thiết. Thẩm định giá doanh nghiệp xuất phát từ các yêu cầu về quản lý và giao dịch: mua bán, sáp nhập, hợp nhất, chia nhỏ doanh nghiệp, đầu tư, đánh giá tổng quát về uy tín kinh doanh, khả năng tài chính và vị thế tín dụng của doanh nghiệp…
Thẩm định giá doanh nghiệp được tiến hành theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2021/TT-BTC ngày 07 tháng 04 năm 2021 của Bộ Tài chính quy định cụ thể các cách tiếp cận trong thẩm định giá doanh nghiệp. Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2021, thẩm định giá doanh nghiệp có ba cách tiếp cận cơ bản gồm:
- Cách tiếp cận từ thị trường;
- Cách tiếp cận từ chi phí;
- Cách tiếp cận từ thu nhập
1. Các cách tiếp cận thẩm định giá doanh nghiệp
Các Doanh nghiệp thẩm định giá cần lựa chọn các cách tiếp cận, phương pháp thẩm định giá trên cơ sở hồ sơ, tài liệu được cung cấp và thông tin thu thập để thẩm định giá doanh nghiệp một cách chính xác.
1.1. Cách tiếp cận từ thị trường
Cách tiếp cận từ thị trường là cách thức xác định giá trị của doanh nghiệp thẩm định giá thông qua việc so sánh doanh nghiệp thẩm định giá với các doanh nghiệp giống hệt hoặc tương tự đã có các thông tin về giá trên thị trường. Cách tiếp cận từ thị trường có thể được sử dụng để xác định giá trị doanh nghiệp thẩm định giá theo cơ sở giá trị thị trường hoặc phi thị trường theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.
- Trong cách tiếp cận từ thị trường, giá trị doanh nghiệp được xác định thông qua giá trị của doanh nghiệp so sánh với doanh nghiệp cần thẩm định giá về các yếu tố: quy mô; ngành nghề kinh doanh chính; rủi ro kinh doanh, rủi ro tài chính; các chỉ số tài chính hoặc giá giao dịch đã thành công của chính doanh nghiệp cần thẩm định giá. Phương pháp được sử dụng trong cách tiếp cận từ thị trường để xác định giá trị doanh nghiệp là phương pháp tỷ số bình quân và phương pháp giá giao dịch.
1.2. Cách tiếp cận từ chi phí
Cách tiếp cận từ chi phí là cách thức xác định giá trị của tài sản thẩm định giá thông qua chi phí tạo ra một tài sản có chức năng, công dụng giống hệt hoặc tương tự với tài sản thẩm định giá và hao mòn của tài sản thẩm định giá.
- Trong cách tiếp cận từ chi phí, giá trị doanh nghiệp được xác định thông qua giá trị các tài sản của doanh nghiệp. Phương pháp được sử dụng trong cách tiếp cận từ chi phí để xác định giá trị doanh nghiệp là phương pháp tài sản.
1.3. Cách tiếp cận từ thu nhập
Cách tiếp cận từ thu nhập là cách thức xác định giá trị của tài sản thông qua việc quy đổi dòng tiền trong tương lai có được từ tài sản về giá trị hiện tại.
- Trong cách tiếp cận từ thu nhập, giá trị doanh nghiệp được xác định thông qua việc quy đổi dòng tiền thuần trong tương lai có thể dự báo được về thời điểm thẩm định giá. Phương pháp được sử dụng trong cách tiếp cận từ thu nhập để xác định giá trị doanh nghiệp là phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp, phương pháp chiết khấu dòng cổ tức và phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu.
Khi xác định giá trị doanh nghiệp bằng cách tiếp cận từ thu nhập cần cộng giá trị của các tài sản phi hoạt động tại thời điểm thẩm định giá với giá trị chiết khấu dòng tiền có thể dự báo được của các tài sản hoạt động tại thời điểm thẩm định giá. Trong trường hợp không dự báo được một cách đáng tin cậy dòng tiền của một số tài sản hoạt động thì thẩm định viên có thể không dự báo dòng tiền của tài sản hoạt động này và xác định riêng giá trị của tài sản hoạt động này để cộng vào giá trị doanh nghiệp. Riêng phương pháp chiết khấu cổ tức thì không cộng thêm phần tài sản phi hoạt động là tiền mặt và tương đương tiền.
2. Cơ sở giá trị của thẩm định giá doanh nghiệp
Cơ sở giá trị doanh nghiệp là giá trị thị trường hoặc giá trị phi thị trường. Cơ sở giá trị doanh nghiệp được xác định trên cơ sở mục đích thẩm định giá, đặc điểm pháp lý, đặc điểm kinh tế-kỹ thuật và đặc điểm thị trường của doanh nghiệp cần thẩm định giá, yêu cầu của khách hàng thẩm định giá tại hợp đồng thẩm định giá (nếu phù hợp với mục đích thẩm định giá) và quy định của pháp luật có liên quan.
Căn cứ vào triển vọng thực tế của doanh nghiệp, thị trường kinh doanh của doanh nghiệp, mục đích thẩm định giá và quy định của pháp luật, thẩm định viên đưa ra nhận định về tình trạng hoạt động, tình trạng giao dịch (thực tế hoặc giả thiết) của doanh nghiệp cần thẩm định giá sau thời điểm thẩm định giá. Thông thường giá trị của doanh nghiệp là giá trị doanh nghiệp hoạt động liên tục. Trong trường hợp thẩm định viên nhận định rằng doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động sau thời điểm thẩm định giá thì giá trị của doanh nghiệp sẽ là giá trị doanh nghiệp hoạt động có thời hạn hoặc giá trị thanh lý.
Việc áp dụng các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp cần phù hợp với cơ sở giá trị doanh nghiệp và nhận định của thẩm định viên về trạng thái hoạt động của doanh nghiệp tại và sau thời điểm thẩm định giá.
3. Các yếu tố tác động đến giá trị doanh nghiệp
Giá trị doanh nghiệp được đo lường bằng thu nhập mà doanh nghiệp mang lại cho nhà đầu tư. Nhưng doanh nghiệp có thể tạo ra thu nhập hay không và độ lớn của thu nhập mức độ nào thì lại tùy thuộc vào tất cả các yếu tố nhưu: vốn, tài sản, kỹ thuật, vị trí…và khả năng thích ứng của nó với các yếu tố môi trường bên ngoài. Các yếu tố tác động tới giá trị doanh nghiệp bao gồm: Các yếu tố thuộc môi trường kinh doanh, Các yếu tố thuộc về nội tại doanh nghiệp.