Việc niêm yết chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO – Initial Public Offering) được thực hiện khi công ty cổ phần muốn tăng vốn, đặc biệt là tài chính lớn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh những quy định bắt buộc của Luật chứng khoán 2019, các doanh nghiệp cần xác định giá trị của mỗi cổ phiếu/cổ phần chính xác nhất để tăng hiệu quả và sức thuyết phục khi huy động vốn đầu tư từ nhà đầu tư.
Cổ phiếu công ty là gì ?
Chứng khoán là khái niệm được dùng để chỉ các sản phẩm tài chính xác nhận quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản hoặc phần vốn của công ty, doanh nghiệp đã phát hành cổ phiếu đó. Chứng khoán hiện nay bao gồm các hình thức: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền…
Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu cổ phần của công ty, doanh nghiệp, tổ chức phát hành. Cá nhân, tổ chức nắm giữ cổ phiếu trở thành cổ đông của công ty, doanh nghiệp phát hành cổ phiếu đó. Có hai loại cổ phiếu là cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi.
Cá nhân, đơn vị sở hữu cổ phiếu thường có quyền dự họp đại hội cổ đông cũng như có quyền biểu quyết những vấn đề lớn của công ty. Còn với cổ phiếu ưu đãi, tùy vào loại hình ưu đãi mà người nắm giữ sẽ hoặc được hưởng một số đặc quyền hơn hoặc bị hạn chế một số quyền so với cổ đông phổ thông.
Quy định về phát hành cổ phiếu lần đầu
Với những công ty có tốc độ phát triển tốt thì việc IPO sẽ giúp giá thị trường của cổ phiếu tốt hơn, tạo tiền đề cho việc đầu tư của các nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp.
Theo Luật Chứng Khoán 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021 (thay thế Luật Chứng khoán 2006 và Luật Chứng khoán sửa đổi 2010) có quy định về chào bán cổ phiếu ra công chúng được chia thành Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty cổ phần; và Chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng (FPO) của công ty đại chúng. Trong đó, bên cạnh các điều kiện khác, các quy định bắt buộc về việc IPO của công ty cổ phần gồm:
- Mức vốn điều lệ đã góp của tổ chức phát hành tại thời điểm chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên;
- Hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành trong 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến thời điểm chào bán;
- Tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn. Trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, thì tỷ lệ tự do chuyển nhượng giảm xuống còn 10%;
- Các cổ đông lớn của tổ chức phát hành phải cam kết nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành trong thời hạn ít nhất một năm kể từ ngày IPO;
- Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị điều tra hình sự hoặc đã bị kết án về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Trước đây, theo Nghị Định 58/2012, chỉ doanh nghiệp Nhà nước là Công ty TNHH một thành viên mới được phép chuyển đổi thành công ty cổ phần theo hình thức IPO. Tuy nhiên, theo Nghị Định 155/2020, tất cả các Công ty TNHH (hoặc thành viên của Công ty TNHH) đều có thể tiến hành IPO để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Mục đích của thẩm định giá cổ phiếu doanh nghiệp
Thẩm định giá trị doanh nghiệp trước khi phát hành cổ phiếu lần đầu IPO nhằm:
- Giúp nhà đầu tư, cổ đông xác định chính xác giá trị của công ty theo đơn vị tiền trước khi quyết định “xuống tiền” mua trái phiếu.
- Giúp doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục pháp lý để phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO)
- Giúp doanh nghiệp xác định lại tiềm năng phát triển, đặc biệt là thống kê lại các khoản nợ dự kiến như: các vấn đề về Thuế, các nguy cơ về tranh chấp tài sản…
- Giúp doanh nghiệp thấy được điểm mạnh và điểm yếu của mình để có thể “thuyết phục” nhà đầu tư hơn.
Quy trình định giá cổ phiếu doanh nghiệp
Đối với quy trình định giá doanh nghiệp để phát hành cổ phiếu IPO thường được diễn ra theo các bước.
- Bước 1: Tiếp nhận thông tin thẩm định giá & hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ
- Bước 2: Sơ bộ giá trị và báo phí dịch vụ thẩm định giá
- Bước 3: Lập kế hoạch thẩm định giá, khảo sát thu thập thông tin (nếu cần)
- Bước 4: Xây dựng báo cáo thẩm định giá
- Bước 5: Kiểm soát
- Bước 6: Phát hành chứng thư, báo cáo thẩm định giá