Định giá máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất là hoạt động nghiệp vụ khá phổ biến trong ngành định giá. Đối với các doanh nghiệp, máy móc thiết bị hay vật tư sản xuất là những tài sản có giá trị lớn, có thị phần không nhỏ trong tổng giá trị của doanh nghiệp. Vì vậy, việc xác định giá trị chính xác các tài sản này để phục vụ các mục đích như: thế chấp vay vốn ngân hàng, góp vốn đầu tư, chuyển nhượng, thanh lý…được nhiều người quan tâm.
Máy móc thiết bị là gì? Các loại máy móc thiết bị.
Máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất là tài sản hữu hình thuộc nhóm tài sản động sản. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, có nêu: Máy móc, thiết bị là một kết cấu hoàn chỉnh, gồm các chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận có liên kết với nhau để vận hành, chuyển động theo mục đích sử dụng được thiết kế.
Như vậy, trong doanh nghiệp, máy móc thiết bị có thể bao gồm tất cả các loại máy móc, dây chuyền sản xuất, dụng cụ chuyên dùng, thiết bị công nghệ…
*Các loại máy móc thiết bị
- Máy móc thiết bị công nghiệp, khai thác khoáng sản, máy công cụ…
- Dây chuyền sản xuất, công nghệ có kết nối, điều khiển tự động, bán tự động
- Máy móc thiết bị chuyên dụng ngành Y tế, dược phẩm
- Máy móc thiết bị khối văn phòng (máy tính, máy in, máy chiếu, điều hòa, thiết bị văn phòng…)
- Máy móc, thiết bị ngành vận tải – logistic (xe tải, cần cẩu, xe nâng, tàu thuyền, thùng container…)
- Máy móc thiết bị nông nghiệp, vật tư khác…
- Máy móc thiết bị phục vụ dân sinh, cuộc sống hàng ngày…
Tiêu chuẩn định giá máy móc thiết bị hiện nay
Để định giá máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, hiện nay các thẩm định viên về giá đang áp dụng Thông tư 28/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính kết hợp với Tiêu chuấn thấm định giá Việt Nam số 05, 06 và 07. Cụ thể:
- Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 – Quy trình thẩm định giá;
- Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 06 – Báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và hồ sơ thẩm định giá;
- Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 07 – Phân loại tài sản trong thẩm định giá.
Phí định giá máy móc thiết bị
Phí định giá máy móc thiết bị là chi phí chủ tài sản cần thanh toán cho đơn vị đủ thẩm quyền thực hiện dịch vụ định giá. Đối với tài sản máy móc thiết bị, phí định giá sẽ được tính theo 2 cách
- Một là tính theo tỷ lệ phần trăm (%) nhân với tổng giá trị của máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất được định giá, cộng thêm các chi phí phát sinh khác (công tác phí, phí kiểm nghiệm – nếu có…)
- Hai là phí định giá trọn gói thỏa thuận giữa đơn vị thực hiện định giá và chủ tài sản.
Tự định giá máy móc thiết bị có được không.
Máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất là tài sản đặc thù, giá trị được xác định theo sản phẩm của chuyên ngành đó. Vì vậy, để xác định được giá trị của máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, thẩm định viên phải là người có đủ chuyên môn, kiến thức của ngành đó, từ đó lựa chọn được phương pháp định giá phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, thẩm định giá máy móc thiết bị là hoạt động chuyên môn có tính pháp lý, chỉ những cá nhân – đơn vị được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá và chứng nhận đăng ký kinh doanh thực hiện thì chứng thư định giá máy móc đó mới có hiệu lực sử dụng cho các mục đích: vay vốn ngân hàng, góp vốn cổ phần, chứng minh tài chính, thanh lý, phân chia tài sản…