(AMC VALUE – Hợp đồng thẩm định giá) – Dịch vụ thẩm định giá được xem là một dịch vụ thương mại do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp cho khách hàng thông qua giao dịch hợp đồng. Do đó, doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng cần phải kí kết hợp đồng thẩm định giá.
1. Khái niệm và đặc trưng hợp đồng thẩm định giá
1.1. Khái niệm hợp đồng thẩm định giá
Hợp đồng dịch vụ thẩm định giá là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp thẩm định giá (bên cung ứng dịch vụ thẩm định giá) với cá nhân, tổ chức có tài sản thẩm định giá (bên thuê dịch vụ thẩm định giá), theo đó, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện công việc thẩm định giá cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ thẩm định giá.
1.2. Đặc trưng hợp đồng thẩm định giá
(1). Bên cung cấp dịch vụ thẩm định giá là doanh nghiệp thẩm định giá được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp thẩm định giá chịu sự điều chỉnh của pháp luật về giá và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Tài Chính.Theo nghị định 89/2013/NĐ-CP ngày 06/08/2013 của chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giá về thẩm định giá:
- Doanh nghiệp thẩm định giá là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp và được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật.
- Khách hàng thẩm định giá là tổ chức, cá nhân thuê doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá hoặc văn bản yêu cầu, đề nghị thẩm định giá.
(2). Đối tượng của hợp đồng dịch vụ thẩm định giá là dịch vụ thẩm định giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp. Điều 42 Luật Giá quy định: Doanh nghiệp thẩm định giá được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng.
Dịch vụ thẩm định giá được coi là một loại dịch vụ có tính chuyên môn cao, theo đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thẩm định giá phải tuân theo các yêu cầu về chuyên môn, đạo đức và quy trình nghiệp vụ.
(3). Hình thức hợp đồng dịch vụ thẩm định giá là văn bản
Điều 32 của Luật Giá quy định về kết quả thẩm định giá như sau:
- Kết quả thẩm định giá được sử dụng làm một trong những căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc có quyền sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và các bên liên quan xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá đốivới tài sản.
- Việc sử dụng kết quả thẩm định giá phải đúng mục đích ghi trong hợp đồng thẩm định giá hoặc văn bản yêu cầu thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Kết quả thẩm định giá chỉ được sử dụng trong thời hạn có hiệu lực được ghi trong báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá.
Điều 11 Nghị định 89/2013/NĐ-CP cũng ghi nhận: Giá dịch vụ thẩm định giá thực hiện theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng thẩm định giá theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng thẩm định giá và được ghi trong hợp đồng thẩm định giá. Như vậy, hợp đồng thẩm định giá phải được thành lập văn bản.
Việc quy định hình thức hợp đồng thẩm định giá bằng văn bản là phù hợp với bản chất của dịch vụ thẩm định giá là một dịch vụ tư vấn với chuyên môn cao. Với hình thức văn bản, hợp đồng dịch vụ thẩm định giá là công vụ hữu hiệu để các bên quản lý nội dung hợp đồng đã thỏa thuận, mà còn là cơ sở để quản lý nhà nước và giải quyết các tranh chấp phát sinh (nếu có).
2. Nội dung của hợp đồng thẩm định giá
Pháp luật về thẩm định giá hiện hành không có quy định cụ thể về nội dung của hợp đồng dịch vụ thẩm định giá mà chỉ quy định ở một số nội dung về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Căn cứ vào những nguyên tắc cơ bản của pháp luật về hợp đồng và bản chất của hoạt động dịch vụ thẩm định giá, có thể xác định nội dung cơ bản của hợp đồng dịch vụ thẩm định giá thường bao gồm những nội dung sau:
Căn cứ xác lập hợp đồng
Căn cứ pháp lý là việc các bên viện dẫn những văn bản pháp luật để dựa vào đó, các bên thỏa thuận những nội dung trong hợp đồng. Những văn bản này thường là: Bộ luật Dân sự, Luật Giá, Luật Thương mại, Nghị định quy định chi tiết về hoạt động thẩm định giá và mộ số văn bản khác mà các bên thấy có liên quan.
Địa điểm, thời điểm các bên giao kết hợp đồng
Nội dung này cần đảm bảo trung thực, để nhằm xác định tính xác thực về hợp đồng đã được giao kết.
Các bên của hợp đồng
Là thông tin các bên kí kết hợp đồng. Thông thường bao gồm bên thuê dịch vụ thẩm định giá (Bên A) và doanh nghiệp thẩm định giá (Bên B). Các bên phải ghi rõ những thông tin như tên của các bên, địa chỉ, người đại diện – chức vụ, mã số thuế, mã số tài khoản ngân hàng, số điện thoại…Đối với người đại diện ủy quyền thì cần phải ghi rõ văn bản ủy quyền được ký ngày nào, ai ký, số hiệu văn bản…
Nội dung công việc thực hiện (Đối tượng hợp đồng)
Các bên ghi rõ việc Bên A đồng ý (hoặc chấp thuận) để Bên B thực hiện thẩm định giá một tài sản nhất định. Việc mô tả về tài sản có thể nằm ở nội dung này hoặc mô tả bằng phục lục.
Mục đích thẩm định giá
Các bên cần thỏa thuận rõ mục đích thẩm định giá để làm gì. Ví dụ như: xác định giá trị tài sản vay vốn ngân hàng, xác định giá trị tài sản đầu tư, xác định giá trị tài sản mua bán, xác định giá trị tài sản thanh lý… Theo Luật Giá, việc sử dụng kết quả thẩm định giá phải đúng mục đích ghi trong hợp đồng thẩm định giá hoặc văn bản yêu cầu thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, mục đích thẩm định giá là thỏa thuận bắt buộc phải ghi nhận vào hợp đồng.
Thời gian thực hiện
Các bên cần thỏa thuận rõ thời gian thực hiện hợp đồng nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên. Thời gian thực hiện thẩm định giá thông thường đối với đất đai là hai ngày, ô tô là một ngày, máy móc thiết bị tùy theo mức độ và máy móc (2 – 7 ngày làm việc).
Mức giá và phương thức thanh toán
Tùy thuộc vào tài sản thẩm định giá các bên thỏa thuận rõ mức gí dịch vụ thẩm định giá và phương thức thanh toán trong hợp đồng. Trong trường hợp đấu thầu dịch vụ thẩm định giá thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn.
Doanh nghiệp thẩm định giá phải ban hành và thực hiện niêm yết biểu giá dịch vụ thẩm định giá bằng hình thức mức giá dịch vụ trọn gói, theo tỷ lệ phần trăm (%) của giá trị tài sản hoặc gí trị dự án cần thẩm định giá và hình thức khác do doanh nghiệp quyết định phù hợp với quy định của pháp luật.
Thanh toán có thể thực hiện thông qua chuyển khoản, tiền mặt hoặc phương thức thanh toán khác. Tuy nhiên, các bên cần lưu ý, đối với những khoản thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên thì phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng và xác định là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Quyền và nghĩa vụ các bên
Các bên thỏa thuận rõ về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Những quyền và nghĩa vụ này đã được pháp luật về giá quy định rải rác ở những nội dung khác nhau như:
– Cung cấp đầy đủ các thông tin, hồ sơ, giấy tờ liên quan tài sản thẩm định giá theo yêu cầu của doanh nghiệp thẩm định giá;
– Tạo điều kiện để bên B tiến hành khảo sát và thu thập thông tin liên quan đến tài sản thẩm định giá;
– Sử dụng kết quả thẩm định giá theo đúng mục đích được ghi rõ trong hợp đồng và Chứng thư thẩm định giá;
– Quyền và nghĩa vụ của Bên A
- Yêu cầu Bên B cung cấp dịch vụ theo đúng nội dung thỏa thuận tại Hợp đồng;
- Cung cấp kịp thời, đầy đủ cho Bên B các thông tin, hồ sơ/tài liệu/giấy tờ cần thiết có liên quan đến Tài sản; Nếu Bên A không cung cấp hồ sơ cần thiết liên quan đến tài sản cần thẩm định giá theo yêu cầu của Bên B thì Bên B không có nghĩa vụ thẩm định giá tài sản đó..
- Chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chân thực, hợp pháp, hợp lệ đối với các thông tin, hồ sơ/tài liệu/giấy tờ đã cung cấp cho Bên B; từ bỏ mọi khiếu nại liên quan đến kết quả dịch vụ của Bên B; chịu hoàn toàn trách nhiệm về địa điểm/địa chỉ Tài sản cung cấp cho Bên B, Sử dụng kết quả thẩm định giá đúng mục đích ghi trong Hợp đồng và Chứng thư thẩm định giá;
- Tham gia, phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Bên B thực hiện công việc thẩm định/định giá tài sản, thu thập chứng từ, tài liệu và các thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình cung cấp dịch vụ;
- Thông báo cho Bên B các yêu cầu cung cấp dịch vụ bổ sung, những thay đổi về kế hoạch sử dụng dịch vụ hoặc những ý kiến khác với nội dung yêu cầu ban đầu (nếu có) để hai bên cùng trao đổi và giải quyết;
- Thanh toán phí dịch vụ theo quy định của hợp đồng
– Quyền và nghĩa vụ của Bên B
- Yêu cầu Bên A thanh toán phí dịch vụ và sử dụng kết quả theo quy định tại Điều 3 Hợp đồng này;
- Trong trường hợp Bên A đơn phương hủy hợp đồng vì bất cứ lý do gì, Bên B sẽ không có trách nhiệm hoàn trả các khoản tạm ứng để bù đắp các chi phí thẩm định đã phát sinh;
- Cung cấp dịch vụ theo đúng nội dung và thời hạn quy định tại Hợp đồng này;
- Thông báo cho Bên A về nội dung, kế hoạch thực hiện dịch vụ;
- Thực hiện dịch vụ theo nguyên tắc độc lập, khách quan và chính xác;
- Quản lý, lưu giữ các thông tin, tài liệu, do Bên A cung cấp một cách an toàn, bí mật
Giải quyết tranh chấp
Các thỏa thuận về nguyên tắc và phương thức giải quyết tranh chấp. Thông thường được quy định như sau:
- Sự kiện bất khả kháng được hiểu là những sự việc xảy ra một các khách quan, không thể lường trước được (thiên tai, hoả hoạn, động đất, chiến tranh,…) ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các Bên trong Hợp đồng này;
- Trong vòng thời gian kể từ ngày xảy ra sự kiện bất khả kháng Bên bị ảnh hưởng phải thông báo bằng văn bản cho Bên kia. Hai Bên có thể thoả thuận để áp dụng các biện pháp khắc phục khác phù hợp nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của các Bên;
- Hai bên cam kết thực hiện đúng theo các điều khoản của Hợp đồng đã ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, hai bên cùng bàn bạc giải quyết trên tinh thần hợp tác và trách nhiệm. Trường hợp không giải quyết được bằng thương lượng, hai bên giải quyết theo quy định của pháp luật;
Hiệu lực hợp đồng, số lượng bản hợp đồng
Sau bao nhiêu ngày kể từ ngày Bên A thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng cho Bên B, nếu không có tranh chấp gì xảy ra thì hợp đồng này mặc nhiên được thanh lý;
Hợp đồng này được lập thành số bản, có cùng nội dung và giá trị pháp lý như nhau, số bản hợp đồng Bên A giữ , số bản hợp đồng Bên B giữ.