(AMC VALUE – Phân loại tài sản vô hình) – Tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất và có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế và phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:
- Không có hình thái vật chất; tuy nhiên một số tài sản vô hình có thể chứa đựng trong hoặc trên thực thể vật chất, nhưng giá trị của thực thể vật chất là không đáng kể so với giá trị tài sản vô hình;
- Có thể nhận biết được và có bằng chứng hữu hình về sự tồn tại của tài sản vô hình (ví dụ: hợp đồng, bằng chứng nhận, hồ sơ đăng ký, đĩa mềm máy tính, danh sách khách hàng, báo cáo tài chính, v.v.);
- Có khả năng tạo thu nhập cho người có quyền sở hữu;
- Giá trị của tài sản vô hình có thể định lượng được.
1. Phân loại theo tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế
Theo Hội đồng thẩm định giá quốc tế (IVSC 2012) tài sản vô hình có thể xác định được hoặc xác định được. Tài sản vô hình có thể xác định được nếu:
- Tài sản có thể tách rời: Tài sản có thể tách rời đưucọ hiểu là tài sản có khả năng chia tác được khỏi thực thể đối tượng để bán, chuyển nhượng, cấp phép, cho thuê hoặc trao đổi, một cách riêng lẻ hoặc cùng với hợp đồng liên quam, hoặc tài sản có thể xác định được, hoặc khoản nợ, mà không tính đến việc chủ thể có ý định tiến hành các giao dịch trên hay không;
- Tài sản phát sinh từ quyền hợp đồng hoặc các quyền hợp pháp khác mà không tính đến việc các quyền này có thể được chuyển nhượng hay tách rời được khỏi chủ thế, hoặc khỏi các quyền và nghĩa vụ khác.
Tài sản vô hình không xác định được, gắn liền với doanh nghiệp hoặc một nhóm tài sản thì thường được gọi là “goodwill”( tạm dịch là “lợi thế kinh doanh”). Các tài sản vô hình có thể xác định được phân loại thành 04 nhóm chính theo các lĩnh vực, bao gồm: marketing, khách hàng và nhà cung cấp, công nghệ, văn hóa – nghệ thuật.
- Tài sản vô hình liên quan đến marketing chủ yếu được sử dụng trong marketing và xúc tiến các sản phẩm dịch vụ. Ví dụ: nhãn hiệu, tên miền, tên thương mại, hợp đồng không cạnh tranh…
- Tài sản vô hình liên quan đến khách hàng hoặc nhà cung cấp phát sinh từ các mối quan hệ với khách hàng hoặc nhà cung cấp. Ví dụ: các hợp đồng dịch vụ, hợp đồng lao động, quan hệ khách hàng hay danh sách khách hàng.
- Tài sản vô hình liên quan đến công nghệ phát sinh từ quyền được xác lập bởi hợp đồng hoặc không được xác lập bởi hợp đồng để sử dụng công nghệ, phát minh, sáng chế, cơ sở dữ liệu, các công thức, thiết kế, phần mềm, quy trình hoặc công thức.
- Tài sản vô hình liên quan đến nghệ thuật phát sinh từ các quyền về lợi ích như bản quyền từ các công trình nghệ thuật ( kịch, sách, phim ảnh, âm nhạc,…) và từ việc bảo hộ quyền tác giả ngoài hợp đồng.
2. Phân loại theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam
Theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 13 về thẩm định giá tài sản vô hình, tài sản vô hình được phân loại như sau:
- Tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ;
- Quyền mang lại lợi ích kinh tế đối với các bên được quy định cụ thể tại hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật ví dụ như quyền thương mại, quyền khai thác khoáng sản,…;
- Các mối quan hệ phi hợp đồng mang lại lợi ích kinh tế cho các bên, các mối quan hệ với khách hàng nhà cung cấp hoặc các chủ thể khác, ví dụ như danh sách khách hàng, cơ sở dự liệu,…;
- Các tài sản vô hình khác.
Cách phân loại trên của Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 13 đã tách riêng được một nhóm tài sản vô hình thường gặp là tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ.
Theo định nghĩa của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), tài sản trí tuệ liên quan tới các sáng tạo của trí óc, ví dụ như các phát minh, tác phẩm nghệ thuật và văn học, các thiết kế, biểu thượng, tên và hình ản dùng trong thương mại.
Theo Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC ngày 17/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC): Tài sản trí tuệ là tài sản vô hình, có tính sáng tạo, xác định được, kiểm soát được và có khả năng mang lại lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu tài sản đó. Tài sản trí tuệ bao gồm đối tượng được bảo hộ và đối tượng không được bảo hộ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ như sáng chế, bí mật kinh doanh, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, giống cây trồng, chương trình máy tính, tác phẩm khoa học, sáng kiến, giống vật nuôi, thiết kế kỹ thuật.
Trong khi đó, quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cấy trồng (Luật Sở hữu trí tuệ 2005). Trường hợp phát sinh và việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Theo Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (2009), đối tượng quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:
- Tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyên tác giả bao gồm cuộc biều diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá;
- Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mất kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý;
- Vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.
Như vậy, trừ trường hợp được ghi nhận tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, chỉ những tài sản trí tuệ là đối tượng quyền sở hữu trí tuệ nêu trên mới được công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.