(amcvalue.com | Tài sản là gì) – Tài sản được hiểu là bất cứ thứ gì có giá trị, một khái niệm rộng và không giới hạn, luôn được bồi đắp thêm bởi những giá trị mới mà con người nhận thức ra. Theo nghĩa thông thường, tài sản theo được hiểu là của cải , vật chất có giá trị đối với con người, có thể được trao đổi, mua bán thông qua các giao dịch dân sự.
- Tài sản bao gồm những loại cơ bản sau:
Theo Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 Tài sản được xác định như sau: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá (như trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu…) và quyền tài sản (như quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng…). Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.Khái niệm tài sản
a, Vật: Vật là tài sản định hình ở dạng thể rắn, thể lỏng, thể khí và các dạng khác mà con người có thể nắm giữ, chi phối. Pháp cũng phân loại vật theo các tiêu chí khác nhau như vật cùng loại và vật đặc định, vật tiêu hao và vật không tiêu hao, vật chia được và vật không chia được, vật chính và vật phụ…
- Vật cùng loại và vật đặc định: Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng, vật này mất có thể thay thế bằng một vật cùng loại khác. Vật đặc định là vật không thể thay thế được bằng vật khác bởi vì nó là duy nhất. Việc phân loại vật thành vật cùng loại và vật đặc định có ý nghĩa trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch dân sự. Điều 179 khoản 2 và điều 289 Bộ luật dân sự 2005 qui định rõ, khi thực hiện nghĩa vụ giao vật đặc định thì phải chuyển giao đúng vật đó, còn nếu là vật cùng loại thì có thể thay thế vật này bằng vật khác.
- Vật tiêu hao và vật không tiêu hao: Vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không còn giữ được tính năng, hình dạng ban đầu nữa. Việc mất đi có thể là trên phương diện vật chất hoặc trên phương diện pháp lí. Vật không tiêu hao là vật qua nhiều lần sử dụng mà cơ bản vẫn giữ dược tính năng, hình dạng ban đầu.
- Vật chia được và vật không chia được: Vật chia được là vật khi bị phân chia vẫn còn tính chất và tính năng sử dụng như gạo, thóc…Vật không phân chia được là vật nếu bị phân chia thì hết tính năng sử dụng như tivi, xe máy… Đối với vật không phân chia được, khi phải chia thì phải trị giá bằng tiền để chia.
- Vật chính và vật phụ: Vật chính theo Khoản 1 điều 176 quy định là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng. Ví dụ : máy tính, tivi,…Vật phụ theo Khoản 2 điều 176 quy định là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính, nhưng có thể tách rời vật chính. Ví dụ: điều khiển tivi, bàn phím máy tính,…
- Ngoài ra còn có một số loại vật như: Vật không thể sở hữu được hay còn gọi là vật chung; Vật vắng chủ bao gồm vật chưa có chủ và vật vô chủ; Vật đồng bộ; Vật cấm lưu thông; Vật hạn chế lưu thông; Vật tự do lưu thông…
b, Tiền: Ở đây là tiền thanh toán chính thức là đồng Việt Nam.
c, Giấy tờ có giá: Cổ phiếu, trái phiếu, séc, tín phiếu… Giấy tờ có giá có ghi mệnh giá và có khả năng chuyển thành tiền. Xét ở khía cạnh phổ thông thì ngoại tệ cũng được xem là giấy tờ có giá.
2. Khái niệm quyền tài sản
Quyền tài sản (Tài sản vô hình) là tài sản không có hình dáng vật chất, không nhìn thấy được, không cầm nắm được. Thực chất, tài sản vô hình chính là các quyền tài sản, bao gồm quyền tài sản trên một tài sản hữu hình hay còn gọi là vật quyền hoặc có thể trên một tài sản vô hình khác và các trái quyền trị giá được bằng tiền.
Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Theo đó:
Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, không đòi hỏi phải có sự chuyển giao trong giao dịch dân sự. Đối với quyền tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự phải đáp ứng được hai yêu cầu là trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao cho người khác trong giao dịch dân sự. Quyền tài sản bao gồm quyền đòi nợ, quyền sử dụng tài sản thuê, quyền trị giá bằng tiền, quyền thực hiện hợp đồng, quyền sở hữu trí tuệ. Những quyền tài sản khác gắn với nhân thân thì không được chuyển giao như quyền thừa kế, quyền cấp dưỡng, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe.
Quyền tài sản bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Quyền tài sản có thể được phân chia thành hai loại: quyền đối vật và quyền đối nhân. Quyền đối vật là quyền của chủ thể được tác động trực tiếp vào vật để thỏa mãn nhu cầu của mình như quyền sở hữu, quyền cầm cố, quyền thế chấp, quyền hưởng hoa lợi… Quyền đối nhân là quyền của chủ thể này đối với chủ thể khác. Quyền đối nhân được đáp ứng nếu bên có nghĩa vụ thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền. Ví dụ quyền yêu cầu trả nợ, giao vật…
Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định quyền tài sản là bất động sản hay động sản. Việc xác định quyền tài sản là bất động sản hay động sản dựa vào đặc điểm của đối tượng mang quyền. Ví dụ, quyền sử dụng đất, quyền đối với bất động sản liền kề gắn liền với đất nên phải được xác định là bất động sản; quyền thế chấp tàu biển, quyền cầm cố xe máy, quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp là động sản…