Phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hoạt động huy động vốn từ nhà đầu tư của các công ty, doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành. Hoạt động này đã và đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng để huy động dòng tiền trên thị trường.Tuy nhiên, để tránh những thiệt hại về kinh tế, pháp lý cho cả đơn vị phát hành và nhà đầu tư (người mua) thì việc thẩm định giá doanh nghiệp trước khi phát hành là điều cần thiết.
Trái phiếu doanh nghiệp là gì?
Để xác định khái niệm về trái phiếu doanh nghiệp, ta cần tìm hiểu quy định thế nào là trái phiếu nói chung là gì: Trái phiếu là một sản phẩm tài chính mà một tổ chức phát hành (chính phủ hoặc doanh nghiệp) để huy động nguồn vốn vay từ nhà đầu tư. Tổ chức phát hành có nghĩa vụ thực hiện các cam kết nợ, bao gồm thanh toán lãi suất định kỳ và hoàn lại số tiền đầu tư ban đầu khi đến kỳ đáo hạn.
Như vậy, trái phiếu doanh nghiệp là trái phiếu do doanh nghiệp phát hành, dưới dạng chứng chỉ hoặc bút toán ghi nợ. Doanh nghiệp có nghĩa vụ thanh toán cả lãi lẫn gốc cho chủ sở hữu trái phiếu khi đến kỳ hạn. Khi bạn mua trái phiếu của một công ty nào đó thì lúc này, người mua đang là chủ nợ của doanh nghiệp đó.
Trái phiếu doanh nghiệp được chia làm 2 loại như sau:
Trái phiếu niêm yết: Là loại trái phiếu được đăng ký và lưu ký đầy đủ tại Trung tâm lưu ký chứng khoán, đồng thời được giao dịch rộng rãi trên các sàn tập trung như HNX và HSX. Toàn bộ quá trình giao dịch đều phải dựa trên các quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán.
Trái phiếu OTC: Hay còn gọi là trái phiếu phi tập trung, được giao dịch trên thị trường OTC. Giao dịch không bị ràng buộc bởi các chính sách pháp lý mà dựa trên những thỏa thuận mua bán riêng giữa các nhà đầu tư.
Điểm khác biệt giữa trái phiếu và cổ phiếu
Trái phiếu có một số điểm khác biệt chính so với cổ phiếu thông thường như sau:
- Về bản chất: Trái phiếu là chứng khoán nợ, ghi nhận nợ của tổ chức phát hành và quyền sở hữu đối với một phần vốn vay của chủ sở hữu. Người sở hữu trái phiếu là chủ nợ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đó. Trong khi đó, cổ phiếu là chứng khoán vốn ghi nhận quyền sở hữu đối với một phần vốn điều lệ công ty; người sở hữu cổ phiếu là cổ đông của đơn vị phát hành.
- Về kết quả của việc phát hành: Phát hành trái phiếu làm tăng vốn vay, nghĩa vụ trả nợ của công ty nhưng không làm thay đổi cơ cấu cổ phần của các cổ đông. Phát hành cổ phiếu làm tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần và làm thay đổi cơ cấu cổ phần của các cổ đông.
- Quyền của người sở hữu: Người sở hữu trái phiếu được trả lãi định kì, ổn định, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Không có quyền tham gia vào việc quản lí điều hành hoạt động của công ty. Trong khi đó, người sở hữu cổ phiếu Được chia lợi nhuận phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty, do đó lợi nhuận này không ổn định.Có quyền tham gia vào việc quản lý và điều hành hoạt động của công ty, tham gia biểu quyết các vấn đề của công ty.
- Thời gian đáo hạn: Trái phiếu có thời gian đáo hạn cụ thể, được ghi trong trái phiếu phát hành. Đối với cổ phiếu thì không có thời gian đáo hạn, việc thời gian sở hữu tùy thuộc vào thời điểm giao dịch (mua bán) của cổ đông.
- Trách nhiệm của nhà đầu tư khi doanh nghiệp mắc nợ: Người sở hữu trái phiếu không chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty phát hành trái phiếu. Ngược lại, người sở hữu cổ phiếu chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp vào công ty.
Điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Đối với các doanh nghiệp, công ty, khi phát hành trái phiếu trong nước cần tuân thủ các quy định tại Điều 9 Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/20220 Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước. Cụ thể như sau:
* Điều kiện chào bán trái phiếu không kèm chứng từ, không chuyển đổi, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn theo pháp luật Việt Nam.
- Phải thanh toán đủ tiền gốc và tiền lãi của trái phiếu đã phát hành, thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong thời hạn 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu.
- Đáp ứng các tỷ lệ an toàn
- Có phương án phát hành trái phiếu
- Có báo cáo tài chính tương ứng với năm trước của năm phát hành trái phiếu tiếp theo
- Đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán.
* Điều kiện chào bán trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng, công ty chứng khoán doanh nghiệp phát hành trái phiếu:
- Là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn theo pháp luật Việt Nam.
- Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính
- Có phương án phát hành trái phiếu.
- Phải có báo cáo tài của năm trước năm phát hành.
- Đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp
- Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền:
- Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần.
- Đối tượng tham gia: nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, tối đa là dưới 100 nhà đầu tư chiến lược
- Phải thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu hiện tại;
- Trong trường hợp chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ thì các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng.
- Trường hợp chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu cần phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Vai trò của thẩm định giá khi phát hành trái phiếu
Thẩm định giá doanh nghiệp cho mục đích phát hành trái phiếu là yêu cầu cần thiết. Bởi theo các quy định tại Điều 9 và Điều 12 Nghị định 153/2020NĐ-CP ngày 31/12/20220 quy định về điều kiện, hồ sơ chào bán trái phiếu của doanh nghiệp phải đáp ứng: “… thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện….”.
Đối với doanh nghiệp: Khi thẩm định giá, doanh nghiệp sẽ đánh giá được giá trị hiện tại của mình là bao nhiêu tiền để có chiến lược phát hành số lượng trái phiếu, giá trị trái phiếu cần bán phù hợp với nhu cầu của mình.
Bên cạnh đó, khi thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định viên ngoài việc đánh giá hiện trạng tài sản, khoản nợ…hiện tại của doanh nghiệp, sẽ đánh giá thêm các yếu tố tăng trưởng, tăng giá trị của doanh nghiệp đó trong tương lai gần dựa trên các tiêu chí, kế hoạch kinh doanh, dòng tiền…
Đối với nhà đầu tư (người mua): Chứng thư và báo cáo thẩm định giá doanh nghiệp là cơ sở khách quan để nhà đầu tư xem xét, cân nhắc tính khả thi, rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp đó. Thông qua báo cáo và chứng thẩm định giá, nhà đầu tư xác định được quy mô giá trị, dòng tiền, khoản nợ, kế hoạch kinh doanh, khối tài sản cố định…cũng như khả năng phát triển của doanh nghiệp đó trong tương lai gần.