(AMC VALUE – Thị trường máy móc thiết bị) – Thẩm định giá máy móc thiết bị là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại máy, thiết bị theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá. Để thẩm định giá máy móc thiết bị chính xác và khoa học thì thẩm định viên hiểu được thị trường máy thiết bị, phân loại được thị trường máy thiết bị, các yếu tố ảnh hưởng đến máy thiết bị có vai trò đặc biệt quan trọng.
1. Khái niệm
Thị trường máy, thiết bị là tổng hoà các giao dịch dân sự về máy, thiết bị trên cơ sở thoả thuận giữa các bên với nhau về giá và tất cả các vấn đề có liên quan đến việc chuyển dịch máy, thiết bị.
2. Phân loại thị trường máy, thiết bị
2.1. Theo không gian
– Thị trường trong nước:
+ Thị trường địa phương;
+ Thị trường quốc gia.
– Thị trường ngoài nước:
+ Thị trường khu vực;
+ Thị trường thế giới.
2.2. Theo tình trạng dử dụng của máy, thiết bị
– Thị trường máy, thiết bị mới: Là thị trường giao dịch các loại máy, thiết bị còn mới chưa qua sử dụng. Hiện nay, trên thế giới đây là thị trường cung ứng những loại sản phẩm công nghệ mới với tính năng ngày càng ưu việt: ít tốn năng lượng, ít tiêu hao nguyên vật liệu, nhỏ gọn, tự động hoá cao.
– Thị trường máy, thiết bị đã qua sử dụng: Là thị trường giao dịch các loại máy, thiết bị đã qua sử dụng. Đây là thị trường chủ yếu cung ứng máy, thiết bị cho các nước đang phát triển và chậm phát triển trong quá trình chuyển giao công nghệ. Sự dịch chuyển máy, thiết bị diễn ra theo hướng từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển hoặc kém phát triển; hoặc từ các nước đang phát triển sang các nước kém phát triển.
Giá máy, thiết bị trên thị trường này thường rất rẻ do yếu tố hao mòn vô hình và bản thân các máy, thiết bị này đã khấu hao hết về giá trị kinh tế nên rất phù hợp với điều kiện kinh tế của các nước đang phát triển và kém phát triển.
3. Các chủ thể tham gia thị trường máy, thiết bị
– Người sản xuất: là các doanh nghiệp sản xuất máy, thiết bị. Họ là những nhà cung ứng máy, thiết bị mới hoặc tân trang, phục hồi máy, thiết bị đã qua sử dụng; là người bán máy, thiết bị
– Người tiêu dùng hoặc người có nhu cầu sử dụng máy, thiết bị: là các doanh nghiệp sử dụng máy, thiết bị để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ, bên cạnh đó cũng có những người tiêu dùng cá nhân mua máy, thiết bị để phục vụ cho sinh hoạt của họ.
Trên thị trường, người bán và người mua máy, thiết bị có thể liên hệ giao dịch trực tiếp với nhau để thực hiện việc mua bán hoặc thông qua một đơn vị trung gian là các công ty chuyên kinh doanh máy, thiết bị. Đặc biệt trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, họ có thể trực tiếp giao dịch với nhau qua mạng internet.
– Các nhà môi giới: là những người đảm trách công việc đưa máy, thiết bị đến với người tiêu dùng; giúp người tiêu dùng mọi thủ tuc để có được tài sản nhanh nhất hay giúp nhà sản xuất, nhà phân phối bán được máy, thiết bị hiệu quả nhất.
– Thương nhân (các đại lý hoặc tổng đại lý): la người đảm trách vai trò phân phối hoặc môi giới giữa người mua và người bán máy, thiết bị để giúp cho việc mua bán nhanh chóng, làm giảm bớt thời gian cho người mua hoặc người bán. Họ có thể là công ty chuyên kinh doanh máy, thiết bị đa ngành hoặc chuyên ngành.
– Nhà cung cấp tài chính: Giữ vai trò quan trọng trên thị trường máy, thiết bị; đặc biệt là máy, thiết bị xuất nhập khẩu, họ là người bảo lãnh cho việc mua bán máy, thiết bị và việc thanh toán được tiến hành nhanh chóng, thuận tiện thông qua thư tín dụng (L/C).
4. Các yếu tố ảnh hưởng tới thị trường máy, thiết bị.
4.1. Chính sách thuế quan
Khi một quốc gia muốn hạn chế nhập khẩu mặt hàng nào thì Chính phủ sẽ tăng thuế nhập khẩu mặt hàng đó. Điều này dẫn đến giá bán mặt hàng đó trên thị trường nước nhập khẩu sẽ tăng vì thuế nhập khẩu là một bộ phận trong giá bán. Đồng thời, trên thị trường nước nhập khẩu có thể xuất hiện sự khan hiếm mặt hàng đó, do vậy giá bán có thể vì thế cũng tăng lên.
Một mặt hàng được khuyến khích nhập khẩu, chắc chắn thuế suất thuế nhập khẩu sẽ ở mức thấp hoặc được miễn, giảm. Người ta sẽ tăng nhập khẩu tới thị trường được cung cấp hàng hoá nhiều hơn, sự khan hiếm không còn làm cho giá bán của hàng hoá giảm.
4.2. Chính sách phí thuế quan
– Lệnh cấm nhập khẩu;
– Chính sách hạn ngạch;
– Hạn chế nhập khẩu bằng ác quyết định hành chính.
Với các chính sách nêu trên có tác động tương tự trường hợp chúng ta tăng thuế suất thuế nhập khẩu, thị trường trong nước có thể xuất hiện sự khan hiếm; do vậy, giá bán có thể vì thế sẽ tăng lên. Tuy nhiên, khi chúng ta gia nhập WTO thì những yếu tố này sẽ ngày càng giảm do cam kết hội nhập, mở cửa thị trường, thuận lợi hoá trong thương mại…
4.3. Chính sách tài chính, tiền tệ
– Khuyến khích, tăng dần đầu tư, phát triển sản xuất;
– Chính sách kích cầu, khuyến khích cho vay đề mua sắm.
4.4. Chính sách kinh tế đối ngoại
– Xu hướng mở cửa tăng cường hợp tác quốc tế;
– Xu hướng đóng cửa hướng nội.
4.5. Chính sách khác
– Chính sách chống lạm phát;
– Chính sách chống lại khủng hoảng trên thế giới.
Tác động của các chính sách còn lại trên đến thị trường cũng như giá máy, thiết bị khó có thể chỉ ra một cách rõ ràng như trong trường hợp của chính sách thuế quan vì nó còn phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể. Hơn thế nữa, khó có thể phân tích tác động của những chính sách này một cách độc lập. Do vậy, khi phân tích tác động của những chính sách này cần đặt trong bối cảnh cụ thể và cường độ tác động của mỗi chính sách thì mới có thể chỉ ra chiều hướng biến động của thị trường cũng như giá máy móc thiết bị.