(Trái Đất giá bao nhiêu tiền?) – Năm 1996, các nhà khoa học khác bắt đầu “định giá” Trái Đất. Một nửa nhóm nghiên cứu là các nhà sinh thái học, còn lại là các chuyên gia kinh tế.
Một nhân vật chủ chốt trong nhóm nghiên cứu là giáo sư Shahid Naeem ở Đại học Columbia, Mỹ. Các chuyên gia tìm cách đo lường giá trị tính theo USD cho các thực thể tự nhiên trên hành tinh.
Ban đầu, việc định giá động vật và hệ sinh thái này nhằm phục vụ mục đích bảo tồn. Đến thế kỷ 21, giá trị tài chính của hệ sinh thái được coi là nền tảng cho công tác bảo tồn thiên nhiên, ảnh hưởng đến chính sách kinh tế và các chính sách khác của mỗi quốc gia.
Ở thời điểm 1996-1997, các nhà nghiên cứu kết luận giá trị của cả hệ sinh thái trên Trái Đất vào khoảng 33 nghìn tỷ USD, gần gấp đôi GDP toàn cầu vào thời điểm đó.
Kết quả định giá được cập nhật theo giai đoạn. Năm nay, kết quả này nằm trong chương trình nghị sự về biện pháp bảo tồn rừng Amazon tại hội nghị thượng đỉnh tại Davos vào đầu tháng 2, và có thể được thảo luận tại Liên Hợp Quốc vào cuối năm nay.
Định giá cho thiên nhiên
Theo công ty bảo hiểm Swiss Re, hơn một nửa GDP toàn cầu, khoảng 42 nghìn tỷ USD, phụ thuộc vào sự đa dạng sinh học trên Trái Đất.
“Vốn tự nhiên” này duy trì sự sống của con người. Chúng trở thành loại tài sản trị giá hàng nghìn tỷ USD với tác dụng điều hòa không khí do rừng mang lại, các vùng đất ngập nước cũng có thể ngăn lũ, và đại dương là nguồn cung cấp lương thực.
Theo đó, động vật cũng rất có giá trị.
Chuyên gia Ralph Chamihas của Quỹ Tiền tệ Quốc (IMF) tế ước tính giá trị ròng của một con voi rừng là 1,75 triệu USD. Trong khi một kẻ săn trộm chỉ có thể nhận được khoảng 40.000 USD khi săn trộm con vật để lấy ngà.
Chuyên gia này cũng ước tính mỗi con cá voi có giá trị khoảng hơn 2 triệu USD.
Tuy nhiên, cách hiểu như vậy về giá trị của thiên nhiên vấp phải ý kiến trái chiều, theo Guardian.
Vì vậy, giáo sư Naeem đưa ra cách giải thích rõ ràng. Ông cho rằng cách định giá như vậy nhằm giúp chúng ta hiểu rằng thực vật, động vật và các hệ sinh thái có giá trị với con người khi chúng còn sống hơn là khi chúng đã chết.
“Mọi người sẽ định giá cho tài nguyên thiên nhiên dù chúng ta có muốn hay không. Họ sẽ nói kiểu như ‘nếu chúng tôi biến vùng đất ngập nước Pantanal ở Brazil thành nơi chăn nuôi gia súc, thì tôi sẽ được từng này tiền’”, giáo sư Naeem giải thích.
“Do vậy, công việc của nhóm chúng tôi là chứng minh cách tính trên không phải là cách định giá Trái Đất”, giáo sư Naeem nói.
Tích hợp bảo tồn thiên nhiên vào cuộc sống
Một câu hỏi khác được đặt ra là mức giá bao nhiêu là đủ cho tài nguyên thiên nhiên. Liệu một hệ sinh thái có thể được định giá chính xác bằng các mô hình tài chính hay không? Và làm thế nào các chỉ số đó có thể được tích hợp vào sử dụng phục vụ mục đích có ý nghĩa?
Có thể nói giá trị của thiên nhiên được thể hiện rõ nhất qua việc giảm thiểu khí nhà kính.
Người ta vẫn hy vọng rằng lượng phát thải khí nhà kính sẽ giảm khi giá các nhiên liệu hóa thạch tăng lên.
Theo thời gian, một phần lớn rừng có thể trở thành vốn tự nhiên có giá trị do đặc tính hấp thụ khí CO2 của cây cối.
Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, ông Mark Carney, cho biết thị trường nguyên liệu sạch cần phải phát triển thêm 100 tỷ USD một năm để giúp thế giới đạt được mục tiêu xả thải khí nhà kính bằng 0.
Năm 2014, nhóm nghiên cứu do nhà kinh tế và sinh thái học Robert Costanza dẫn đầu đã cập nhật mức giá của hệ sinh thái trên Trái Đất so với năm 1997. Lúc này, tổng giá trị ước tính vào khoảng 125 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy rằng thay đổi trong mục đích sử dụng đất dẫn đến thiệt hại khoảng 4,3-20,2 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 1997-2011.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc định giá cho hệ sinh thái không có nghĩa coi đây là hàng hóa, mà nhằm cho con người nhận thức được vai trò của thiên nhiên.
Theo giáo sư Naeem, thách thức lớn nhất trong việc tích hợp kết quả định giá nói trên vào các quyết sách chính phủ là việc chức năng của hệ sinh thái đối với đời sống con người chưa được làm rõ.
Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên ước tính rằng thế giới cần chi 722-967 tỷ USD mỗi năm để bảo tồn hệ sinh thái và động vật khỏi nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2030.
Tuy nhiên, nếu việc bảo tồn thiên nhiên được tích hợp hiệu quả hơn vào cuộc sống hàng ngày của con người, thì số tiền ít hơn như vậy cũng có thể tạo ra khác biệt lớn theo hướng tích cực.