Trả lời:
Thông tin bạn cung cấp ông bà bạn để lại đất cho bố và các cô chú trong nhà. Hiện tại bạn muốn thay mặt bố bạn đi làm thủ tục sang tên sổ đỏ mang tên bố bạn. Do bạn không cung cấp rõ đây là đất do ông bà tặng cho bố bạn hay để lại di sản thừa kế.
Trường hợp để lại di sản thừa kế thì trước hết bố bạn và các cô chú cần phải tiến hành khai nhận di sản thừa kế, lập văn bản thoả thuận phân chia di sản. Sau đó bạn mới có thể được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai đối với phần đất bố bạn được ông bà để lại.
Theo quy định pháp luật, bố bạn có thể ủy quyền cho bạn thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ thông qua giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền.
– Giấy ủy quyền được hiểu là hành vi pháp lý đơn phương, được thực hiện theo ý chí của một bên, thực hiện các công việc đơn giản như nộp hồ sơ cấp sổ đỏ, nộp phạt vi phạm hành chính…
Theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, thủ tục chứng thực chữ ký cũng được áp dụng đối với trường hợp chứng thực giấy ủy quyền, khi hành vi ủy quyền đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Không có thù lao; không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền; không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng Bất động sản.
Như vậy, giấy ủy quyền chỉ được chứng thực chữ ký trong trường hợp không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường, không liên quan đến chuyển quyền sở hữu tài sản, sử dụng Bất động sản.
– Hợp đồng ủy quyền: Theo quy định tại Điều 562 Bộ Luật dân sự 2015, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Do đó, bố bạn có thể ủy quyền cho bạn thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ bằng hình thức giấy ủy quyền có chứng thực hoặc hợp đồng ủy quyền có công chứng.
Thủ tục thực hiện công chứng giấy ủy quyền, hợp đồng ủy quyền
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ ủy quyền
Bộ hồ sơ ủy quyền bao gồm:
– Phiếu yêu cầu công chứng gồm thông tin về người yêu cầu, thông tin về tổ chức hành nghề công chứng và yêu cầu công chứng.
– Giấy tờ tùy thân: Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân/hộ chiếu còn hạn
– Giấy tờ về quan hệ hôn nhân nếu bên ủy quyền là hai vợ chồng, người đã ly hôn
– Giấy tờ về nội dung ủy quyền: sổ đỏ, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế,….
Ngoài những giấy tờ trên thì bên ủy quyền cũng phải chuẩn bị giấy tờ tùy thân cùng hộ khẩu của bên nhận ủy quyền.
Bước 2: Thực hiện chứng thực chữ ký giấy ủy quyền hoặc công chứng hợp đồng ủy quyền
– Chứng thực chữ ký giấy ủy quyền:
Đối với nơi chứng thực chữ ký giấy ủy quyền thì tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về nơi chứng thực chữ ký cụ thể như sau:
+ Phòng Tư pháp cấp huyện
+ Ủy ban nhân dân cấp xã
+ Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự và cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài
+ Công chứng viên của Phòng/văn phòng công chứng
– Công chứng hợp đồng ủy quyền: Theo quy định tại Luật công chứng 2014, tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng công chứng và văn phòng công chứng
Hiện nay, việc ủy quyền nộp hồ sơ sang tên sổ đỏ có thể thực hiện tại văn phòng công chứng. Sau khi bố bạn thực hiện việc ủy quyền sang tên sổ đỏ theo quy định pháp luật, bạn có thể đại diện theo ủy quyền thực hiện thủ tục nộp hồ sơ và nhận sổ đỏ.